Kiểm soát quyền lực được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đã làm “xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân”. Kết quả phát hiện, xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, liên quan tới một số cán bộ lãnh đạo cao cấp gần đây cho thấy, tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực đang ở mức đáng báo động, trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước. Do đó, việc nhận diện và kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong xã hội, ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, sử dụng sai trái quyền lực để tham nhũng là yêu cầu cấp thiết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.