VOV1 - Những thầy giáo, cô giáo là những người gieo mầm yêu thương, tri thức, tương lai như những câu thơ trích trong bài “Người làm vườn” (tập thơ “Người gieo hạt”) của cô giáo Lê Mai viết sau hơn 30 năm cô gắn bó với sự nghiệp giáo dục:
Những hạt giống quý
Vươn cao những mầm non mập mạp
Cành lá sum xuê và cây mãi tốt tươi
Người làm vườn gieo chúng xuống mảnh đất mỡ màu, thấm đẫm mồ hôi.
Những hạt giống quý
Điệp trùng như những rừng cây
Cho đời mùa quả ngọt
Bởi người làm vườn nâng niu, chăm sóc chúng bằng tất cả tình yêu!
Bài thơ không dùng những hình ảnh kiểu cách như “người thắp lửa”, “người lái đò trên dòng sông tri thức”, hay “kỹ sư tâm hồn” mà chỉ đơn giản ví người dạy học như một người làm vườn – hình ảnh bình dị nhưng lại nói được đầy đủ chất thơ của nghề cao quý ấy. Đó không chỉ là tâm huyết, trải nghiệm, nghĩ suy mà còn là một lời sẻ chia, nhắn nhủ: Chỉ khi nào, người làm vườn nâng niu, chăm sóc những “hạt giống quý” bằng tất cả tình yêu thì mới có thể mang đến cho đời những “mùa quả ngọt”, là sự nở hoa kết trái kỳ diệu của tài năng, trí tuệ, tâm hồn học trò: “Nghề ươm trồng Cây Phúc/bắt rễ giữa vườn trần/hạt giống đời nảy lộc/sáng muôn đời chữ Tâm”.
“Mùng 1 Tết Cha, mùng 2 Tết Mẹ, mùng 3 Tết Thầy” đã trở thành nét văn hoá truyền thống của mỗi người Việt Nam trong dịp Tết đến Xuân về. Hôm nay, mùng 3 nhân dịp Tết Thầy, trong chương trình Xã hội chuyển động, mời quý vị và các bạn cùng suy ngẫm câu chuyện: “Người gieo hạt” tâm vững, trí bền.