Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Tiền Giang, năm nay, đơn vị được được giao tổng nguồn vốn hơn 470 tỷ đồng. Qua đó, tổ chức thi công 11 dự án, công trình cầu đường trọng điểm (kể cả công trình chuyển tiếp); trong đó có nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn như: tỉnh lộ 864, đường Đồng Tháp Mười, cầu Tân Phong…Đến thời điểm này, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 85% kế hoạch. Riêng dự án đường ven sông Tiền ( tỉnh lộ 864) đạt trên 50%.
Dự án thi công cầu Chợ Gạo bắt ngang kênh Chợ Gạo đang thi công khẩn trương
Trong 5 năm qua, Ban luôn giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Để đạt thành quả này, từ đầu năm đơn vị đã xây dựng kế hoạch phân bổ vốn cho các công trình, dự án cụ thể; tổ chức lựa chọn nhà thầu có uy tín, năng lực đáp ứng theo từng công trình; công tác đấu thầu tổ chức công khai, minh bạch, đúng quy định. Với vai trò là chủ đầu tư, Ban tổ chức tốt công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ từng công trình, hạng mục, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mặt tại công trường; phối hợp với chính quyền, ngành chức năng các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Về phía các nhà thầu đã xác định được nhiệm vụ thi công, bám sát tiến độ, huy động đủ nhân lực, vật lực khẩn trương thi công đạt tiến độ và chất lượng. Gần đây dù nguồn vật liệu cát san lấp mặt bằng giá cao và khan hiếm nhưng các nhà thầu vẫn khắc phục khó khăn; thà chịu thiệt thòi nhưng vẫn đảm bảo công trình đúng tiến độ đề ra.
Các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công trình
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc công ty TNHH MTV Xây dựng thủy lợi TICCO Tiền Giang- một trong những nhà thầu thường xuyên hoàn thành công trình trước hợp đồng với chủ đầu tư, nói: “Bên đây mình tập trung lực lượng, tăng ca tăng kíp nếu không vướng mặt bằng thì làm nhanh lắm. Mình phải có tiền mặt mua vật liệu chứ để họ cấp rề rề là chậm liền. Về nhân lực, máy móc thì phải đáp ứng theo gói thầu của mình theo hồ sơ mời thầu. Đường thì chủ yếu phải có máy đào, xe luz, xe ban… Trước khi cái gói thầu đó, thí dụ như vật liệu cát mình phải có nguồn cát, phải có đối tác để ký hợp đồng, chứ đâu dám làm liều. Mình thi công sớm thì đỡ phí quản lý chứ công trình nằm đó thì thiết bị, con người, chưa nói nhà thầu không có thiết bị phải đi thuê mướn mà nằm ngoài thì khó. Có cái vướng mặt bằng tụi tôi làm công tác dân vận đi vận, di vận động hành lang”.
Tỉnh lộ 864 đang thi công 3ca, 4 kíp vượt thời gian
Một thế mạnh của Tiền Giang là trên địa bàn có rất nhiều doanh nghiệp chuyên về xây dựng giao thông có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công cầu đường nhiều năm, như công ty xây dựng thủy lợi TICCO, công ty Thiên Thuận, Minh Thái, Phước Hùng, Thống Nhất, Minh Trung… Do đó, nhà đầu tư rất thuận lợi trong việc lựa chọn nhà thầu; công tác kiểm tra, giám sát nhà thầu trong quá trình thi công cũng khá dễ dàng; thông tin hai chiều giữa đơn vị thi công- chủ đầu tư rất kịp thời để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Các nhà thầu huy động tối đa nhân lực, vật lực để bám sát công trường
Khâu giải phóng mặt bằng là yếu tố quan trọng, nên chính quyền, đoàn thể địa phương tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền, giáo dục,nâng cao ý thức người dân về dự án xây dựng cầu đường; các trường hợp cố tình không bàn giao mặt bằng có thể dùng biện pháp bảo vệ thi công. Đặc biệt nguồn vốn cũng là yếu tố quan trọng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đã linh động trong việc điều chuyển vốn giữa các dự án trong nội bộ ngành cho hợp lý; để xuất cấp bổ thêm nguồn vốn phát sinh khi có yêu cầu cấp thiết không để nhà thầu thi công thiếu vốn. Đối với các dự án, công trình khi thiết kế chưa phù hợp với điều kiện thực tế hay có kiến nghị của người dân, doanh nghiệp vùng dự án nếu thấy phù hợp có thể đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh nhưng không phát sinh thêm kinh phí đầu tư. Cụ thể tại dự án Đường 864 ven sông Tiền có sự thay đổi thiết kế khi UBND tỉnh chấp thuận cho công ty TNHH sản xuất nước đá Chí Thành (phường 9, Tp. Mỹ Tho) xây dựng 02 hầm chui đi ngầm dưới dự án để lắp đặt băng chuyền vận chuyển nước đá mà không ảnh hưởng đến dự án; có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về kinh nghiệm làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Trần Minh Trung, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông Tiền Giang cho biết: “Chủ đầu tư phải bám sát kế hoạch, kịp thời giải quyết các vướng mắc tại công trình. Giám sát thì chúng tôi yêu cầu phải thường xuyên liên tục ở hiện trường. Đồng thời từ lãnh đạo Phòng đến Ban giám đốc đi thường xuyên kiểm tra. Tôi nói các nhà thầu mấy anh không được rãnh rang mới làm, phải làm cho tốt, còn không có 2-3 ngày tôi mời lên một lần để họp. Vì tiến độ mà mình không kiểm soát để đến lúc trễ mất kiểm soát thì sẽ mất tiến độ. Tôi cũng canh vốn, so với nhu cầu chưa đủ trong năm phải xin bổ sung, có một số nơi người ta chưa giải ngân mình xin về”.
Các ngành chức năng, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra công trình, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc
Cùng với sự đầu tư nguồn vốn của nhà nước, nguồn đóng góp của doanh nghiệp và người dân đến nay diện mạo hạ tầng giao thông ở Tiền Giang đã được từng bước kiện toàn và phát triển. Tỉnh còn rất ít đường đá đỏ, đường đất; hầu hết các tuyến đường liên xã, liên ấp đều được nhựa hóa, bê tông hóa. Ông Nguyễn Hữu Lợi, người dân xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành bày tỏ: “ Mấy năm nay, tôi thấy đường làm rất tốt. Nói chung đường dal nông thôn đều cũng làm đạt hết. Bây giờ các nhà thầu nào làm thấy cũng tốt hết, phương tiện, cơ giới mày móc hiện đại hết. Các đường lớn do công ty Thiên Thuận, Thống Nhất làm ngon, tốt rồi. Chất lượng đường ngày càng tốt, ngon lành, phương tiện thông thương hết. Bây giờ làm đường công nghệ cao, xe lux kiểm tra rất kỷ”.
Các tuyến đường giao thông cấp huyện cũng thực hiện vượt kế hoạch để xây dựng huyện nông thôn mới
Giao thông phát triển đã tạo điều kiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp ngàycàng thuận lợi, là đòn bẩy để phát triển KT-XH. Tiêu chí này cũng đã giúp cho Tiền Giang đẩy nhanh chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Tiền Giang có 9/11 huyện, thành phố ra mắt huyện Nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Từ cuối năm nay và năm tới, có 2 huyện còn lại là huyện Tân Phước và Tân Phú Đông sẽ phấn đấu được Trung ương công nhận huyện Nông thôn mới./.
Nhật Trường/VOV ĐBSCL