Tại hội thảo, các giáo viên chủ chốt, đại diện tổ tiếng Anh của các trường THPT của thành phố Hồ Chí Minh đã được lắng nghe, trải nghiệm, thực hành những ý tưởng mới gắn với công tác bồi dưỡng, phát triển nghiệp vụ giảng dạy ngoại ngữ; nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh trên bục giảng, từ đó cải thiện kết quả học tập của học sinh. Đặc biệt là phương pháp Linearthinking, hệ thống phương pháp học tiếng Anh dựa vào tư duy logic, toán học và sự nghiên cứu ảnh hưởng của ngôn ngữ mẹ đẻ đối với việc học ngoại ngữ, áp dụng một số kỹ thuật siêu trí nhớ. Qua đây, tạo ra một cách học tiếng Anh đặc biệt hiệu quả với người Việt Nam, đồng thời mở rộng tư duy logic, tư duy phản biện.
GS-TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo
Với những trải nghiệm giảng dạy những năm qua, GS-TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng: mặc dù năng lực sử dụng tiếng Anh của các học sinh rất tốt, nhưng không phải 100% và ngay cả thầy cô không phải ai cũng đủ năng lực để dạy những kiến thức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bằng tiếng Anh. Điều đó cho thấy con đường đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là rất chông gai, kể cả ở một trường chuyên. Do đó, Hội thảo hôm nay là một trong những bước đi đầu tiên của các Trường THPT trên địa bàn Thành phố để thực hiện mục tiêu tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Những phương pháp giảng dạy tiếng Anh chia sẻ tại hội thảo sẽ là cách làm hay, để các thầy cô có thể áp dụng nhằm thúc đẩy năng lực sử dụng tiếng Anh không chỉ cho học sinh mà còn cho chính những thầy cô ở các tổ bộ môn khác. GS-TS. Nguyễn Thị Thanh Mai nhấn mạnh: Cách thức thúc đẩy năng lực tiếng Anh của học sinh không chỉ nằm ở phương pháp học, mà còn ở một môi trường thực hành thường xuyên, gắn bó với chính những sinh hoạt học tập hàng ngày của học sinh./.