Từng là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, Sơn La giờ đây đã “thay da đổi thịt”. Kết quả này có được nhờ sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền, cùng sự đồng lòng của bà con trong đấu tranh, tố giác tội phạm, đẩy lùi ma tuý. Ông Quàng Văn Chính, gần 60 tuổi, ở bản Hợp Nhất 1, xã Thôm Mòn kể lại: Trước đây ma túy ở bản này quá phức tạp, từ ma túy dẫn đến trộm cắp… Sau được sự chỉ đạo của cấp tỉnh, huyện, xã, bản triển khai thành lập tổ liên gia tự quản từ 2012, người nghiện cho đi cai, phạm tội đi cải tạo, dẹp hết tụ điểm trộm cắp, nghiện hút... bây giờ cuộc sống người dân đã ổn định.
Huyện Thuận Châu có 29 xã, thị trấn, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn rừng núi có nhiều đường ngang, lối mở, dân cư sinh sống rải rác; tiếp giáp với nhiều địa phương, trong đó có những địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy như huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên... khiến công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm ma tuý gặp nhiều khó khăn.
Các cấp, các ngành tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh với tội phạm ma tuý
Thượng tá Nguyễn Đình Khiêm, Phó trưởng Công an huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết: lực lượng đã tích cực tham mưu và triển khai nhiều giải pháp tích cực trong thực Đề án chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy trên địa bàn.”Chúng tôi tăng cường lực lượng xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, rà soát danh sách đối tượng liên quan đến ma tuý, lập hồ sơ quản lý, theo dõi các đối tượng sử dụng cũng như đối tượng nghiện; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, giao cho từng cán bộ trinh sát quản lý địa bàn thường xuyên giám sát, theo dõi, không để tồn tại những điểm mua bán lẻ trái phép chất ma tuý trên địa bàn”.
Tuy tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý ít phức tạp, ít đối tượng trong diện quản lý tại địa phương, nhưng xã Chiềng Đen, TP Sơn La lại giáp ranh với địa bàn có tuyến đường quốc lộ 6 nối với các tỉnh có biên giới, phức tạp về ma túy, nên cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy...
Các nhóm liên gia tự quản phát huy vai trò trong vận động, tuyên truyền nhân dân đấu tranh phòng, chống ma tuý.
Ông Tòng Văn Pâng, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, năm 2023, Chiềng Đen được Ban Chỉ đạo về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy tỉnh Sơn La và thành phố Sơn La chọn đưa vào chuyển hoá, xây dựng địa bàn không có ma tuý. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau gần 1 năm thực hiện Đề án, xã Chiềng Đen đã được công nhận là đơn vị, địa bàn đạt tiêu chuẩn “không có ma tuý”. Đảng uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức chuyển hoá địa bàn về ma tuý gắn với chuyển hoá địa bàn về an ninh trật tự; tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Cuộc vận động toàn dân tham gia chuyển hoá địa bàn đã nhận được sự ủng hộ của cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Cán bộ và nhân dân đã tích cực tố giác, phát giác các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
Sau gần 1 năm triển khai Đề án, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La được công nhận là đơn vị, địa bàn đạt tiêu chuẩn không có ma tuý.
Tỉnh Sơn La có đường biên giới dài với 6 huyện biên giới, các đối tượng tội phạm về ma tuý đã lợi dụng điều kiện này để thực hiện việc vận chuyển ma tuý vào địa bàn Việt Nam tiêu thụ và vận chuyển qua địa bàn tỉnh khác. Những năm gần đây, tội phạm ma tuý thường thay đổi phương thức hoạt động để trốn tránh việc xác minh, truy bắt của lực lượng chức năng.
Đề án “Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030” đặt ra mục tiêu đến hết năm 2030, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy; đưa Sơn La ra khỏi diện trọng điểm về ma túy của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, Sơn La đã, đang huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Ông Kha Mạnh Sâm, Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh uỷ Sơn La cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động, nắm tình hình trong các chuyến công tác tại bản, xã. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống dân vận kịp thời tham mưu xây dựng mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong phòng chống ma tuý”.
Lực lượng chức năng truy bắt đối tượng, tội phạm về ma tuý.
Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Sơn La đã từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng nhận định, loại tội phạm này còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, tích cực tham gia cung cấp thông tin để các lực lượng trấn áp tội phạm ma túy, quyết tâm không để ma túy xâm nhập vào cộng đồng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
(Lê Hạnh/VOV Tây Bắc)