logovov
BAN THỜI SỰ VOV1
Cập nhật : 18:46 29/5/2024
Quảng Nam: Nhiều doanh nghiệp khai thác đất “quên” hoàn thổ (29/05/2024)

VOV1 - Tại tỉnh Quảng Nam, nhiều mỏ đất được cấp phép cho doanh nghiệp khai thác, hết thời hạn cấp phép vẫn chưa hoàn thổ, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường khiến núi đồi nham nhở, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân. Theo quy định pháp luật về khoáng sản, doanh nghiệp sau khi kết thúc khai thác phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, do chi phí phục hồi môi trường lớn trong khi chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh nên nhiều doanh nghiệp khai thác đất cố tình “quên” hoàn thổ khiến dư luận bức xúc.

Để thi công dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm 2013 đến năm 2017, tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác mỏ đất tại thôn Châu Mỹ, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình cho Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam với diện tích gần 15 héc ta. Mỏ đất này hết thời hạn cấp phép từ năm 2018. Thế nhưng doanh nghiệp này đã “chạy” khỏi địa phương và cố tình “quên” luôn cam kết hoàn thổ, phục hồi nguyên trạng môi trường, để lại đồi núi nham nhở trong 6 năm qua khiến người dân địa phương bức xúc.

(Mỏ đất tại thôn Châu Mỹ, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình hết thời hạn cấp phép từ năm 2018 nhưng doanh nghiệp “quên” hoàn thổ.)

Theo ghi nhận tại khu vực mỏ đất tại thôn Châu Mỹ, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, cả một vùng đồi núi bị cày xới, có nhiều mỏm đá cao và hố sâu hàng chục mét. Người dân sống tại đây cho biết, mỗi khi đi qua khu vực này ai nấy đều thấy bất an, cả người và vật nuôi rất dễ rơi xuống hố sâu. Ông Trần Văn Mãi, sống tại thôn Châu Mỹ, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình cho rằng, 6 năm qua nhiều hộ dân nơi đây mất tư liệu sản xuất vì đất đai hoang hóa, khô cằn, không thể cải tạo.
“Doanh nghiệp bỏ đi, để lại đồi núi nham nhở, chưa thấy san lấp, dân phải trồng cây tạm thời vậy thôi chứ mặt bằng không thấy. Giờ phải san lấp trả mặt bằng cho dân trồng cây chứ để những hố sâu rất nguy hiểm. Trẻ con ra đây gặp hố sâu rất nguy hiểm”.

(Nhiều hố sâu gây nguy hiểm cho người và vật nuôi khi đi qua khu vực này.)

Đại diện UBND xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi trúng thầu mỏ đất tại thôn Châu Mỹ, Tổng Công ty Xây dựng Nông nghiệp Việt Nam ủy quyền cho Công ty Hoàng Lộc khai thác đất phục vụ thi công dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Năm 2018, dự án cao tốc hoàn thành nhưng doanh nghiệp này mới hoàn thổ được khoảng 2 héc ta rồi rút khỏi địa phương khi mới nộp khoảng 1,8 tỷ đồng trong tổng số 3 tỷ đồng tiền ký quỹ để thực hiện khôi phục, hoàn thổ. Sau đó, Công ty Hoàng Lộc phá sản nên việc hoàn thổ không thực hiện được. Theo ông Nguyễn Hữu Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quý, huyện Thăng Bình thì UBND tỉnh Quảng Nam đã giao UBND huyện Thăng Bình, UBND xã Bình Quý thực hiện việc hoàn thổ, đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường đối với mỏ khoáng sản đất tại đồi Châu Mỹ.
“Năm 2023 mới có quyết định đóng cửa mỏ xong và thực hiện đấu thầu qua mạng. Công ty 19/5 ở Đà Nẵng trúng thầu với tổng nguồn vốn 1,6 tỷ để san lấp, hoàn thổ. Hiện chúng tôi đã thương thảo và sắp tới sẽ san lấp nhưng không thể san lấp như nguyên trạng được. Chỉ san lấp cục bộ một số điểm sâu để không gây nguy hiểm cho người và gia súc, đảm bảo mặt bằng cho việc trồng cây. Sau này chúng tôi sẽ giám sát để đảm bảo đơn vị thi công làm đúng quy trình”.
Tình trạng khai thác đất không hoàn thổ khá phổ biến tại tỉnh Quảng Nam. Dự án Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây do UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư, triển khai từ tháng 9/2011 trên diện tích 20 héc ta. Tháng 4/2016, UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép cho Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng khai thác khoáng sản đất san lấp, xây dựng công trình dư thừa tại Dự án san nền Cụm công nghiệp Tam Mỹ Tây. Theo đó, Công ty này được tận thu khoáng sản đất trên diện tích 10,14 héc ta với trữ lượng khai thác 1,425 triệu mét khối.

(Cả một vùng đồi núi bị băm nát sau khi Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng khai thác khoảng 1 triệu m3 đất san lấp.)

Hơn 10 năm qua, người dân địa phương từng kỳ vọng nơi đây sẽ mọc lên các nhà máy, xí nghiệp phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Thế nhưng khu vực này giờ đây toàn những quả đồi trơ trọi sau khi doanh nghiệp khai thác cả triệu m3 đất. Ông Phan Văn Nỹ, sống tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam ngán ngẩm khi nhìn cảnh đồi núi bị băm nát, nhiều hộ dân sống tại đây đời sống khó khăn.
“Họ bảo đây là đất lâm nghiệp, tôi canh tác trên đây bao nhiêu năm nhưng bị thu hồi. Cây thì tôi không có bao nhiêu nhưng đất thì mất hơn 2 héc ta. Mở con đường và đắp đập đã mất 1 héc ta rồi. Hết cả khu này cũng có đến 20 hộ như vậy nhưng mình tôi thì đã 2 héc ta. Bất công, nhưng tôi không dám nói”.
Vừa qua, Thanh tra tỉnh Quảng Nam có kết luận về những sai phạm liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư Xuân Vượng. Doanh nghiệp này không kê khai khoảng 400 ngàn m3 đất san lấp có dấu hiệu trốn thuế và phí bảo vệ môi trường với số tiền 1,24 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với khối lượng đã kê khai thuế, phí thì đến nay Công ty Xuân Vượng còn nợ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và phạt chậm nộp 1,2 tỷ đồng. Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chuyển vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xử lý theo thẩm quyền. 

(Nhiều hộ dân mất tư liệu sản xuất vì đất đai hoang hóa, khô cằn, không thể cải tạo.)

Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, doanh nghiệp sau khi kết thúc khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm lập, trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước đó phê duyệt đề án đóng cửa mỏ để thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Theo đó, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác kiểm tra, nghiệm thu, làm cơ sở ban hành quyết định đóng cửa mỏ. Tình trạng doanh nghiệp khai thác khoáng sản không hoàn thổ, trồng rừng và phục hồi nguyên trạng môi trường sau khai thác xảy ra khá phổ biến khiến dư luận bức xúc. Ông Bùi Ngọc Ảnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam cho biết, sẽ tăng cường công tác kiểm tra khai thác khoáng sản để giám sát chặt chẽ doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ và hoàn thổ mặt bằng. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác đóng cửa mỏ và hoàn thổ mặt bằng. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp này để yêu cầu thực hiện đóng cửa mỏ theo đúng quy định pháp luật”./.

LONG PHI/VOV MIỀN TRUNG

Tải file

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: