Theo đó, Chương trình đề ra mục tiêu tổng quát, 03 nhóm mục tiêu cụ thể về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Đồng thời đề xuất 03 nhóm chỉ tiêu phấn đấu thực hiện đến năm 2030. Một số chỉ tiêu cụ thể như sau:
Hằng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%; góp phần tăng trên 3% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ toàn quốc mỗi năm.
Kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1%/năm và tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 1%/năm.
Ít nhất 80% người nghiện ma túy được tư vấn cai nghiện; 90% người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ phòng, chống tái nghiện ma tuý và hòa nhập cộng đồng. Trên 90% người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và gia đình người nghiện ma tuý được cung cấp, tiếp cận chính sách, pháp luật, thông tin hệ thống dịch vụ về cai nghiện, quản lý, hỗ trợ xã hội.
Trên 90% người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý, người cai nghiện ma tuý, người tham gia điều trị nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý.
Tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc đạt trên 20%...
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình, gồm: Người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan: chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy; điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.
Cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thời gian thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030, trong đó, năm 2025: Thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình.
Giai đoạn 2026-2030: Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Chương trình đề ra 06 nhóm giải pháp, gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách. Tập trung nguồn lực và cơ chế huy động nguồn lực thực hiện Chương trình. Tổ chức hiệu quả bộ máy thực hiện Chương trình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về Chương trình và công tác phòng, chống ma túy. Giải pháp về khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Về tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế.
Cơ quan, đơn vị thực hiện Chương trình, gồm: Các Bộ, cơ quan: Công an; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Quốc phòng; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Tư pháp; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.