Tại cụm công nghiệp Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, nhiều công ty thông báo tuyển lao động may mặc, điện tử, sản xuất lông mi giả với số lượng lớn. Mặc dù đưa ra các chế độ đãi ngộ hấp dẫn về mức lương, thưởng, hỗ trợ ngày nghỉ trong thời điểm mùa vụ nhưng nhiều công ty vẫn không tìm đủ công nhân. Ông Trần Chí Vĩ, Giám đốc doanh nghiệp may mặc Lực Thiêm cho biết, công ty có nhu cầu tuyển thêm 300 lao động, nhưng mới chỉ tuyển được khoảng 50 người: “Khi mà tới mùa cà phê, mùa tiêu nếu công nhân có đất trồng vườn cây, họ sẽ được đăng ký để nghỉ thời gian đó để về nhà giúp việc nhà. Cũng hy vọng qua mùa cà phê tháng 6 này thì tuyển dụng nó sẽ dễ dàng hơn”.
Dù đã nới các điều kiện tuyển dụng, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tuyển đủ công nhân
Còn tại cụm công nghiệp Cư Kuin, tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề, khiến nhiều công ty phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất cũng như nhận đơn hàng của đối tác. Ông Vũ Nguyễn Tường Linh, phụ trách tuyển dụng của công ty cà phê Ngon cho biết, công ty đã liên kết đầu ra với các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn và sẵn sàng đào tạo nghề miễn phí, song số đơn xin ứng tuyển vẫn chưa đạt như kỳ vọng: “Công ty chúng tôi cần tuyển dụng tầm 50 người từ lao động phổ thông cho tới lao động có chuyên môn nghiệp vụ. Cái khó khăn của chúng tôi là thiếu về lực lượng lao động có chuyên môn, đặc biệt là các ngành nghề kỹ thuật như điện, cơ khí. Và đặc thù của công ty chúng tôi là một công ty do nước ngoài đầu tư, chúng tôi cần thêm trình độ ngoại ngữ đó là hạn chế của lực lượng lao động tại Đắk Lắk”.
Khó tuyển được lao động có tay nghề buộc nhiều công ty phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất
Thực trạng thiếu công nhân đang diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Bà Nguyễn Thùy Tâm, chuyên viên hành chính nhân sự công ty Trung Nguyên Franchising tại Đắk Lắk cho hay, công ty đã nâng chế độ đãi ngộ nhưng khó tuyển lao động: “Khi các bạn làm việc, các bạn được thi nâng bậc, được ký hợp đồng lao động đầy đủ các chế độ theo luật lao động. Bên cạnh đó các bạn còn có thưởng KPI, quà sinh nhật, lễ, tết và đặc biệt chế độ thâm niên. Bên mình cũng đăng tuyển trên rất nhiều phương tiện truyền thông tuy nhiên hiện tại nhu cầu tuyển dụng cũng chưa đáp ứng”.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm Trung tâm có hơn 50 lượt doanh nghiệp tham gia vào hơn 20 phiên giao dịch việc làm với nhu cầu hàng chục ngàn lao động. Tuy nhiên, thực tế số người được tuyển dụng không đạt như mong muốn. Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk lý giải: “Tuyển dụng người học là yếu tố thứ nhất khó khăn. Yếu tố thứ 2 là khi đào tạo ra thì doanh nghiệp phải đào tạo lại, không dùng được do cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, kiến thức học của nhà trường chưa gắn với doanh nghiệp họ cần cái gì”.
Lao động phổ thông đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk tìm việc, còn doanh nghiệp cần người có trình độ chuyên môn
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Giang, năm 2024, tỉnh Đắk Lắk phấn đấu tạo việc làm cho hơn 30.000 người. Để đạt được mục tiêu này, các cơ sở đào tạo nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Về phía người lao động cần rèn luyện, trau dồi trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề và tích cực, chủ động tìm kiếm việc làm./.
Nam Trang/VOV Tây Nguyên