Ông Phạm Xuân Thắng, quê ở tỉnh Hà Tĩnh vào lập nghiệp tại thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam đã 30 năm nay. Trước đây, ông Thắng chủ yếu trồng cây keo lá tràm nhưng thu nhập không cao. Năm 2001, ông quyết định mua giống cam Vinh để trồng thử nghiệm. Ban đầu, ông Thắng trồng 40 gốc cam. Thấy hiệu quả, ông mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng diện tích trồng cam. Hiện nay, trang trại của ông Thắng có 600 gốc cam và 200 gốc quýt trên diện tích 3 héc ta. Ông Phạm Xuân Thắng cho biết, để có những quả cam sạch, ông sử dụng phần lớn phân hữu cơ, giúp cây phát triển tốt, trái căng tròn, có vị ngọt thanh, hương thơm dịu, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 15 tấn cam. Mỗi năm, trừ chi phí, ông còn thu lãi khoảng 450 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Ông Phạm Xuân Thắng đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cam, hướng đến mục tiêu cung cấp sản phẩm sạch cho các siêu thị:“Trước kia trồng keo thì 5 năm mới thu nhập một lần, 3 héc ta thu được 150 triệu đồng. Mô hình trồng cam so với các loại cây khác không có cây gì qua cây cam hết. Nay có của ăn của để, có tiền nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Nếu không có dịch bệnh Covid-19 khách du lịch tới mua cam và chụp ảnh nhiều lắm. Năm nay được mùa cam gia đình tiếp tục duy trì. Thương lái đến tại vườn mua sỉ là 25.000 đồng mà bán lẻ là 30.000 đồng/kg.”
Trang trại trồng cam của ông Phạm Xuân Thắng hiệu quả đã tạo sự lan tỏa ở huyện miền núi Đông Giang, là mô hình mẫu cho người dân địa phương học tập và làm theo. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Thắng vận động, hướng dẫn bà con địa phương trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế vườn. Hiện nay, tại huyện miền núi Đông Giang có hơn 100 mô hình nông dân làm kinh tế vườn, trang trại. Ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, địa phương đặc biệt quan tâm công tác xoá đói giảm nghèo. Từ nguồn kinh phí của Trung ương, các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... huyện hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Bình quân mỗi năm, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đầu tư khoảng 3 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương phát triển trồng cây ăn quả. “Ở xã Ba, xã Tư hình thành nhiều mô hình sản xuất trang trại, các hộ kinh tế vườn, phát triển cây ăn quả rất hiệu quả. Trong các năm qua, huyện đã hỗ trợ cho bà con thực hiện các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại đều có hiệu quả, hỗ trợ tìm đầu ra. Huyện đang tập trung rà soát quỹ đất, mời gọi thu hút các doanh nghiệp để đầu tư, liên kết với bà con nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.”
Thời gian qua, các sở, ngành tỉnh Quảng Nam luôn đồng hành với nông dân các huyện miền núi trong phát triển sản xuất. Các chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi triển khai đã hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi, cung ứng giống cây trồng, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt cho đồng bào. Người dân tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm gần đây, công tác giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.
“Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam thường xuyên phối hợp với các sở, ngành và các huyện miền núi chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc miền núi, làm sao thực hiện đúng đối tượng, đúng chương trình, chính sách và phát huy được hiệu quả. Người dân đã có ý chí vươn lên thoát nghèo, làm thay đổi diện mạo, phát triển kinh tế- xã hội ở miền núi./.”