Theo Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi, từ kỹ năng tác nghiệp của phóng viên đến công tác quản lý, điều hành của một số cơ quan báo chí hiện chưa có sự đột phá nhiều để thích ứng với môi trường chuyển đổi số báo chí. Không ít cơ quan báo chí vẫn hoạt động theo mô hình quản lý truyền thống. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông khiến hội tụ truyền thông trở thành xu thế phát triển tất yếu, buộc báo chí phải bắt nhịp. “Chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ như vậy, báo chí không thay đổi chắc chắc sẽ bị tụt hậu. Chuyển đổi số đã giúp cho chúng ta đào tạo ra các nhà báo số và như thế, đang đặt ra một câu chuyện chúng ta phải tích hợp dữ liệu và công nghệ số vào tất cả các hoạt động trong quá trình tổ chức sản xuất các sản phẩm tin, bài hiện nay; đấy cũng chính là một trong những sự thay đổi rất lớn”.
Chuyển đổi số đang phát triển mạnh nếu báo chí không thay đổi chắc chắc sẽ bị tụt hậu
Thực tiễn này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay. Để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số, việc kết hợp giữa đào tạo trong nhà trường và bồi dưỡng nghiệp vụ tại các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng, giúp nhà báo được đào tạo lại, thích ứng với những công nghệ làm báo mới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đã và đang tác động đến hoạt động báo chí - truyền thông
Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, cần nâng cao năng lực cập nhật, đổi mới của các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông ở Việt Nam. Xác định rõ các tiêu chuẩn đầu ra và mô hình đào tạo nghiệp vụ báo chí số để đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế của thị trường lao động của lĩnh vực này. “Cần xác định rõ về yêu cầu sống còn trong việc nâng cao năng lực và đổi mới mô hình đào tạo báo chí số với tất cả các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí và doanh nghiệp. Việc tăng cường hợp tác liên kết giữa các cơ sở đào tạo, báo chí doanh nghiệp, Hiệp hội và cơ quan báo chí để xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế là rất quan trọng. Tăng cường liên kết 4 nhà trong đào tạo nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu và nhà sáng chế công nghệ”.
Cần nâng cao năng lực cập nhật, đổi mới của các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông ở Việt Nam
Trong Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra rất nhiều mục tiêu cho nền báo chí Việt Nam đến năm 2025: “70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số…”./.
Thúy Hằng/VOV1