Hội trại Sáng tạo STEM-2021 thuộc dự án “Tăng cường giáo dục Khoa học tại Việt Nam” được Kenan Foundation Asia tổ chức thường niên từ năm 2018. Tuy nhiên năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội trại đã được chuyển sang hình thức trực tuyến, nhưng các em học sinh vẫn có được những trải nghiệm tốt nhất. Cụ thể, thay vì tổ chức tập trung tất cả hơn 100 học sinh giống như mọi năm, Hội trại đã được tổ chức thành 04 đợt và nguyên học liệu được gửi tới nhà của từng em để các em thực hiện. Bà Đinh Kim Phượng, Quyền Giám đốc Kenan Foundation Asia tại Việt Nam cho rằng: “Hội trại Stem này không chỉ là sân chơi cho các em học sinh được học các kiến thức về chuyên môn Toán, Lý, Hóa, Sinh…mà còn là nơi để các em có thể học được các kỹ năng mềm, một hành trang quan trọng trong cuộc sống sau này”.
Bà Đinh Kim Phượng, Quyền Giám đốc Kenan Foundation Asia tại Việt Nam hướng dẫn thảo luận cùng học sinh
Mặc dù hội trại theo hình thức trực tuyến, nhưng với sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô ở Kenan Foundation Asia và tính hấp dẫn của hội trại đã thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Các em không chỉ được trải nghiệm những hoạt động khoa học, kỹ thuật, giúp nâng cao kỹ năng hợp tác, sáng tạo, giao tiếp, phản biện, mà còn nhân lên niềm yêu thích khoa học, kỹ thuật ở các em. Em Dương Chí Dũng, học sinh trường THCS Dịch Vọng Hậu chia sẻ: “Qua buổi học stem trực tuyến, em đã thu nạp được cho mình nhiều kiến, chế tạo được các động cơ điện đơn giản, điều em chưa bao giờ biết đến trước đó”.
Còn em Nguyễn Yến Phương, học sinh trường THCS Thanh Am thì cho rằng: “Những kỹ năng mềm đối với học sinh là hết sức quan trọng, qua tham gia hội trại, em đã thu nhận được nhiều kiến thức về các kỹ năng như làm việc nhóm, tư duy phản biện, tranh luận và các kỹ năng lãnh đạo nhóm…”.
Kenan Foundation Asia tại Việt Nam hướng dẫn thảo luận cùng học sinh
Không chỉ học sinh, việc đưa giáo dục STEM đến các trường Trung học cơ sở còn giúp các thầy, cô giáo hiện đang giảng dạy các môn khoa học tại các nhà trường tận dụng cơ hội này để quan sát, thảo luận xoay quanh việc đưa quy trình thiết kế kỹ thuật 5 bước (Xác đinh vấn đề, Nghiên cứu kiến thức nền, Đề xuất và lựa chọn giải pháp, Thiết kế và thử nghiệm, Báo cáo và điều chỉnh) vào bài dạy và hoạt động STEM trải nghiệm trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, đơn giản và có chi phí hợp lý, dễ dàng triển khai tại các trường. Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Thị Thuần, Trưởng bộ môn Khoa khoa học tự nhiên, Đại học Thủ Đô Hà Nội đánh giá cao Kenan Foundation Asia tại Việt Nam đã nhạy bén trong việc thay đổi hình thức từ hội trại trực tiếp sang trực tuyến, giúp học sinh phát triển toàn diện, có cơ hội vận động sau nhiều tháng không được đến trường. Đặc biệt, hình thức học Online cũng là xu thế, kể cả khi ngăn chặn được dịch bệnh.
Học sinh sáng tạo khoa học qua hình thức trực tuyến
Hội trại nằm trong khuôn khổ Dự án 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 “Tăng cường Giáo dục Khoa học tại Việt Nam”, thực hiện bởi Kenan, phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội, cùng các Phòng Giáo dục các Quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ và 28 trường THCS trên địa bàn các quận./.