Từ sáng sớm, bà con trong bản, cả người già, người trẻ, gái trai đã cùng nhau dọn dẹp, phát quang vạt rừng, mổ lợn, mổ vịt, mổ gà, đồ xôi... làm cỗ để thầy mo chuẩn bị làm lễ. Ai nấy đều vui tươi, phấn khởi, mong muốn thần linh sẽ phù hộ cho gia đình và cho bản làng. Anh Quàng Văn Chính, người dân bản Khá, xã Sạp Vạt cho hay:” Hôm nay tôi mặc áo của ngày xưa - áo Thái cổ, rồi cùng bà con dân bản phát quang rừng cho sạch; tôi cũng góp rượu, góp cơm để cùng liên hoan sau lễ cúng. Năm nay vui hơn năm ngoái, có nhiều khách ở ngoài sang chơi”.
Các lễ vật dâng cúng gồm: Rượu, gạo nếp, gà, vịt, lợn, trầu cau, áo thiêng của chủ rừng. Ngoài ra, mỗi hộ trong bản còn mang đến 1 đôi vòng tay bạc, 1 cuộn vải trắng, vải khít để làm lễ cúng.
Mỗi hộ trong bản sẽ mang đến 1 đôi vòng tay bạc, 1 cuộn vải trắng, vải khít để làm lễ cúng.
Khi tiến hành nghi lễ, nhân dân trong bản sẽ tập trung quanh miếu thờ; thầy cúng, hay còn gọi là thầy mo, ông mo, làm các thủ tục gọi mời các vị: Thần thổ địa, thần núi, thần sông, thần cai quản ruộng nương, vùng miền, linh hồn người có công dựng bản mường về dự và tiếp nhận các lễ vật do nhân dân trong bản dâng lên, cầu xin các đấng thần linh ban cho dân bản sức khỏe và mùa màng tươi tốt...Ông Quàng Văn Phanh, 80 tuổi, thầy cúng lễ Đông Sửa cho biết:”Hàng năm đến mùng 10 là phải cúng 1 lần. Cúng cho dân bản khỏe khoắn, làm ăn phát đạt; ruộng nương bội thu; trâu bò khỏe mạnh, không bị dịch bệnh”.
Thầy cúng làm các thủ tục gọi mời các vị Thần thổ địa, thần núi, thần sông, thần cai quản ruộng nương, vùng miền, linh hồn người có công dựng bản mường…
Về trưa, nhân dân trong bản tiến hành hạ đồ lễ, mang rượu thơm ngọt ra đãi khách và tổ chức ăn mừng ngay tại khu rừng thiêng của bản. Sau đó, mọi người cùng nhau ca hát, nhảy múa theo điệu trống, tiếng chiêng đến khi ánh mặt trời khuất sau núi. Du khách Nguyễn Văn Thành, tới từ tỉnh Hòa Bình hào hứng cho hay:”Đến với lễ hội tôi khám phá được rất nhiều nét văn hóa đặc sắc, khi mình chưa đến thì chưa rõ nhưng đến đây tận mắt thấy, tai nghe thì thấy nhiều nét văn hóa rất là độc đáo. Đầu tiên là về trang phục, về khăn piêu rất đặc sắc, thể hiện rõ ở vùng đất Yên Châu này; thứ hai là bà con cũng làm rất nhiều vật dụng, vật liệu thủ công để tổ chức cho lễ hội.”
Lễ hội linh thiêng sẽ luôn là nguồn khích lệ, động viên tinh thần người dân bản Khá. Giúp bà con đoàn kết lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc
Lễ hội linh thiêng cũng là nguồn khích lệ, động viên tinh thần người dân bản Khá, xã Sặp Vạt nói riêng, vùng đất Yên Châu, Sơn La nói chung tích cực lao động sản xuất, vững niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc./.
(Trấn Long, CQTT Tây Bắc)