Thành phố Gia Nghĩa đang là tâm điểm sốt xuất huyết tại tỉnh Đắk Nông, với 67 ổ dịch, hơn 1.100 ca mắc bệnh. Ngành y tế đang tổ chức phun hoá chất diện rộng, đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch. Nhân viên y tế đến từng hộ gia đình hướng dẫn thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường.
Ngành y tế đang tổ chức phun hoá chất diện rộng tại Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông
Bà Đinh Thị Quyên, Trưởng Trạm y tế phường Nghĩa Trung, nơi có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao, cho biết. “Trạm y tế tổ chức đội xung kích tổ dân phố đi diệt loăng quăng, bọ gậy, các ban ngành, đoàn thể đều vào cuộc. Hiện tại số ca mắc vẫn đang rất cao, mong bà con nhân dân nâng cao ý thức cùng với ngành y tế, cùng với chính quyền địa phương tự diệt loăng quăng, bọ gậy tại nơi ở, tại nơi làm việc để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết”.
Người dân cần nâng cao ý thức, tự diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc
Thời điểm này, toàn tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận gần 2.000 người mắc sốt xuất huyết, hơn 100 ổ dịch, vượt xa cả năm 2023. Đáng chú ý, cuối tháng 6 đã có một bệnh nhân 42 tuổi trú tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp tử vong sau 8 ngày mắc sốt xuất huyết. Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh khi đang trong cao điểm mùa mưa, ngành y tế Đắk Nông đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tập trung các giải pháp phòng chống bệnh.
Cùng với Thành phố Gia Nghĩa, các địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao tại tỉnh Đắk Nông đang tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch
Bác sĩ Ê Ban Thanh Sơn, Phó Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông khuyến cáo người dân không chủ quan vì bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong. “Nếu chỉ xuất huyết đơn giản là dưới da, xuất huyết chân răng thì còn nhẹ, nhưng xuất nội tạng thì hầu như không cứu được. Người dân không nên chủ quan trong thời điểm này. Hiện nay đang trong mùa dịch, có dấu hiệu sốt xuất huyết thì nên đến cơ sở y tế nhà nước để được kiểm tra, giám sát và đưa vào hệ thống. Lúc đó, cơ sở y tế biết được địa phương nào có dịch, địa phương nào có ca bệnh để có những biện pháp triển khai phòng chống dịch sâu sát hơn.”./.
Công Bắc/VOV Tây Nguyên