Để tiếp cận được cây Sao cát đại thụ số 1 của tỉnh Kon Tum cần di chuyển bằng xe máy chuyên dụng từ xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô và đi bộ ngược dốc mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Cây Sao cát đứng sừng sững trên một sườn đồi dốc thuộc Tiểu khu 281 do Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đăk Tô quản lý. Anh A Phương, làng Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô cho biết, từ rất xa đã nhìn thấy cây Sao cát, người Xơ Đăng trong vùng coi đây là cây thần: “Người già ngày xưa cũng hay kể cây này từ rất lâu rồi. Bà con dân làng quan niệm cây có Giàng- Thần linh, bà con rất kiêng kị không có chặt, không làm tổn hại. Cộng đồng thôn thường xuyên tuần tra, kiểm tra chú trọng cây này đầu tiên, bảo vệ hàng đầu”.
Cây có tuổi đời hàng trăm năm
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, cây Sao cát đại thụ ở Tiểu khu 281 xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum là niềm tự hào của người dân và hiện vẫn đang lan toả những điều tích cực. Dưới gốc đại thụ này, 9 thôn người Xơ Đăng ở hai xã Ngọc Tụ và Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô đã cùng ký cam kết chung sức, đồng lòng bảo vệ phát triển rừng.
Đường kính gốc cây hơn 4 mét.
Anh Nguyễn Trung Nguyên, Phân trường 2, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết: “Công ty lâm nghiệp Đăk Tô, Phân trường với cán bộ địa bàn với cộng đồng thôn hầu như tuần nào cũng lên kiểm tra cây Sao cát này. Ở bên Đăk Trăm hoặc là ở bên những thôn khác đi kiểm tra rừng thì cũng qua đây ai cũng bảo vệ. Trong những dịp lễ, tết thì khi nào cũng cắt cử người trực, cả người dân và cả anh em của phân trường”.
Điều đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về cây Sao cát đại thụ. Dưới gốc cây này có một vết thương khá rộng và sâu do lâm tặc định cưa hạ cây từ khoảng 30 năm trước, phần gỗ nay bị mục đang có dấu hiệu mối, kiến tấn công./.
Cây Sao cát đại thụ được xem là cây thần của người Xơ Đăng trong vùng.
Vết cưa từ hàng chục năm trước nay đang bị mối tấn công
Nguyễn Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên