logovov
BAN THỜI SỰ VOV1
Cập nhật : 16:16 6/6/2024
Câu chuyện ứng xử với rác thải ở huyện đảo Cô Tô (06/06/2024)

VOV1 - Từ cầu cảng dọc các tuyến đường vào thị trấn, xã Đồng Tiến hay Thanh Lân (huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh) không khó để bắt gặp những tấm pano, khẩu hiệu lớn với nội dung tuyên truyền “Không sử dụng túi nilon”, “Huyện đảo Cô Tô không rác thải nhựa”… Không chỉ là khẩu hiệu, việc giữ cho biển, đảo không có rác thải nhựa đã là câu chuyện của mỗi người dân nơi đây.

“Biến rác thành tiền” và “Hố ủ rác hữu cơ” là 2 mô hình đang được người dân xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô, Quảng Ninh) thực hiện rất hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Hòa, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến cho hay: Ngày 1/9/2022 huyện đảo Cô Tô đã thí điểm mô hình “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” (Đề án 175). Căn cứ vào đó, xã Đồng Tiến đã tuyên truyền vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon... Vậy nhưng để người dân thay đổi thói quen cũng không thể ngày một ngày hai. “Đối với rác hữu cơ thì tập trung về 1 nguồn sau đó công ty môi trường sẽ xử lý còn rác vô cơ chúng tôi cho người dân tiến hành sơ chế thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ và biến rác thành tiền. Những chai vỏ nhựa, sẽ tập trung vào sau đó bán, giao cho Hội phụ nữ xã quản lý. Tiền bán rác thải nhựa đó sẽ đầu tư lại, hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để nâng cao cuộc sống.”

(Mùa du lịch du khách đến Cô Tô nhiều hơn nên lượng rác thải nhựa cũng nhiều hơn nên chị em hội viên tranh thủ mọi lúc để đi thu gom, vừa là tăng thu nhập cho quỹ, vừa là làm sạch môi trường)

Mùa hè đông khách du lịch, lượng rác thải cũng nhiều hơn nên mỗi tháng Hội phụ nữ xã Đồng Tiến thu được từ 5 đến 6 triệu đồng từ rác thải nhựa. Không cần loa thông báo, hàng ngày chị em sẽ tự mang rác đến điểm thu gom. Còn theo lịch, 2 ngày cuối tuần các Chi hội sẽ cử người đi thu gom từng nhà rồi mang đến điểm tập kết. Những lúc rảnh rỗi, các hội viên bảo nhau ra bãi biển thu gom rác thải nhựa theo thủy triều đưa vào, vừa tăng thu nhập cho Quỹ, vừa làm sạch bãi biển. Bà Nguyễn Thị Thương, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đồng Tiến cho biết: Tuy số tiền thu được không nhiều nhưng hoạt động thu gom rác thải nhựa trên đảo lại có ý nghĩa vô cùng lớn... Hay như mô hình “Hố ủ phân hữu cơ” cũng mang lại hiệu quả thiết thực và góp phần thay đổi thói quen của người dân. “Mô hình hố ủ rác hữu cơ quy trình đơn giản. Rác hữu cơ ở địa phương không nhiều vì người dân đa phần làm nông nghiệp nên đều tận dụng cho chăn nuôi gà, lợn, ngan, còn nhà nào không chăn nuôi mới ủ. Chị em cũng ủng hộ, nhiều khi cũng muốn làm nhiều nhưng nhân lực không có. Gia đình mỗi người 1 việc, đi lấy rác nơi khác không có ai đi lấy, chị em chỉ tận dụng nguồn rác tại nhà để ủ.”

(Biến rác thành tiền là mô hình hoạt động ý nghĩa của Hội phụ nữ xã Đồng Tiền, làm thay đổi nhận thức của người dân và cũng nhờ đó nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn đã được động viên kịp thời.)

Chặng đường để huyện đảo Cô Tô không còn rác thải nhựa mới chỉ là bước đầu và trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn. Rất nhiều người có thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong khi các sản phẩm thay thế giá thành còn cao, ảnh hưởng đến người dân nhất là các tiểu thương ở chợ hay các cửa hàng. Huyện đảo Cô Tô có diện tích đất nổi gần 47km2, xa đất liền và có khối lượng khá lớn rác tải nhựa trôi dạt trên biển được sóng đưa vào bờ. Rác thải nhựa không chỉ gây ra mất mỹ quan, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế du lịch mà còn tác động xấu đến hệ sinh thái biển. Mặt khác, nguồn kinh phí để thu gom rác thải nhựa đại dương cũng chưa có... Ông Nguyễn Khuông Khá, cán bộ Địa chất và Môi trường, xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô) cho biết: Địa phương luôn chú trọng công tác tuyên truyền và có những biện pháp cụ thể để hạn chế nguồn rác thải nhựa: “Hiện tại huyện có nhiều biện pháp tích cực kiểm soát chặt từ nguồn cung ra ngoài Cô Tô. Phối hợp với các Công ty lữ hành, Công ty quản lý cảng dịch vụ Ao Tiên tuyên truyền ngay để du khách không mang túi nilon khó phân hủy, giảm thiểu rác thải  túi nilon. Chính quyền chỉ đạo cán bộ thôn khu, nêu gương trách nhiệm đảng viên, người đứng đầu địa phương trong việc hạn chế rác thải nhựa, đặc biệt Hội phụ nữ tích cực triển khai các mô hình biến rác thải thành tiền, ủ phân hữu cơ để tách bạch riêng phần rác thải nhựa để đơn vị thu gom xử lý hiệu quả hơn.”

(Mô hình "Hố ủ phân hữu cơ" cũng được chị em hội viên thực hiện nghiêm túc và đem lại hiệu quả cao.)

Cuộc sống gắn với biển, những người dân trên đảo Cô Tô giờ đây đều ý thức được tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. Đặc biệt là từ khi triển khai Đề án 175, người dân đã thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, không chỉ bằng lời nói mà bằng những hành động cụ thể như hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; chủ động thu gom các loại rác thải nhựa, rác thải khó phân hủy; cùng ra quân vệ sinh bãi biển vào thứ Năm hàng tuần... để chủ động bảo vệ sức khỏe, sinh kế của chính mình bằng những việc làm thiết thực hàng ngày.

LAN ANH/VOV ĐÔNG BẮC

Chủ đề : rác thải, Cô Tô

Tải file

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: