logovov
BAN THỜI SỰ VOV1
Cập nhật : 16:25 19/7/2024
Bảo tồn văn hóa gắn phát triển du lịch vùng cao Thừa Thiên Huế (19/7/2024)

VOV1 - Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng là định hướng của tỉnh Thừa Thiên Huế để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới nằm ở trung tâm huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là không gian sinh hoạt văn hóa, lễ hội, thể thao của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu vào các dịp lễ, Tết. Nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn, quen thuộc của người dân, du khách.

Các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc vùng cao A Lưới

Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc vùng cao A Lưới được tái hiện trở thành sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách. Hoạt động dân ca, dân nhạc, dân vũ, trình diễn trang phục, kỹ thuật dệt zèng, ẩm thực hay tái hiện lễ cưới của người Pa Cô, lễ Tấc Ka Coong của đồng bào Cơ Tu đều do những nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số trình diễn. Họ vừa là diễn viên, vừa là chủ thể của các hoạt động văn hóa, lễ hội, chung tay gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Già Làng Hồ Văn Sáp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế tự hào với văn hóa dân tộc mình: “Tổ chức như thế này là để giữ lại truyền thống văn hóa ngày xưa, mang ý nghĩa đặc sắc theo dân tộc ngày xưa. Bà con theo cách mạng, theo Đảng thì luôn song song sưu tầm, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống”.

Lễ hội Tấc Ka Coong của đồng bào Cơ Tu, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Đời sống văn hóa đồng bào các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và một số địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế đa dạng, phong phú, mang bản sắc riêng. Trải qua nhiều thế hệ, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống vật thể, phi vật thể độc đáo. Các nghề thủ công, những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn liền với đời sống, lao động, sản xuất hàng ngày của đồng bào. Ông Trần Đức Sáng, nghiên cứu viên về văn hóa, Phân viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Thừa thiên Huế cho rằng: “Trong quá trình phục dựng lại các lễ hội văn hóa truyền thống, bây giờ người dân ý thức hơn trong việc bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của mình. Đặc biệt có những nét phù hợp với xã hội mới hiện nay. Ở Thừa thiên Huế, các dân tộc rất có ý thức bảo tồn, nhất là các chủ thể văn hóa. Người Tà Ôi bảo tồn những nét đặc trưng của người Tà Ôi, người Pa Kô bảo tồn những nét đặc trưng của họ và người Cơ Tu cũng vậy”.

Ẩm thực vùng cao A Lưới

Khu vực dọc theo đường Hồ Chí Minh, huyện A Lưới là một trong những vùng định hướng khai thác phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian qua, huyện miền núi A Lưới triển khai nhiều hoạt động khai thác tiềm năng điều kiện tự nhiên gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc theo hướng bền vững. Huyện A Lưới xác định, phát triển du lịch là đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch Đề án về phát triển du lịch; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất; xây dựng phát triển sản phẩm du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, thu hút đầu tư du lịch. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Mỗi địa phương, mỗi dân tộc trên địa bàn của huyện đều xây dựng được các sản phẩm du lịch trải nghiệm phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc và có sự khác biệt. Về định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc trong thời gian tới, huyện A Lưới tiếp tục thực hiện các nội dung hai đề án. Trong đó, địa phương tiếp tục có sự hỗ trợ, những chính sách, cơ chế tạo thuận lợi để các địa phương phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc”.

Các diễn viên tham gia các hoạt động văn hóa đồng bào A Lưới

Chính quyền các huyện miền núi A Lưới, Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch miền núi. Du khách đến đây được trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số, các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: việc tái hiện các hoạt động lễ hội của đồng bào vùng cao góp phần quảng bá và giới thiệu những giá trị văn hóa, tiềm năng du lịch của các địa phương miền núi. “A Lưới có Lễ mừng lúa mới, kỹ thuật dệt Zèng dã được ghi danh Di sản phi vật thể Quốc gia. Thời gian qua, cùng với việc bảo tồn, giữ gìn các bản sắc văn hóa dân tộc, huyện A Lưới cũng đã làm rất tốt việc nghiên cứu bảo tồn một số lễ hội truyền thống”./.

Vinh Thông/VOV Miền Trung

Tải file

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: