Sau những đợt mưa dông từ đầu mùa đến nay, Bắc Kạn đã có hàng chục căn nhà bị đất đá sạt lở, vùi lấp. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở lúc 00h ngày 22/5 tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn khiến 3 người trong một gia đình tử vong tại chỗ. Điều đáng nói là vị sạt lở nằm ở taluy không quá cao nên người dân có phần chủ quan. Ông Long Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn cho biết: “Vị trí này chúng tôi cũng có cảnh báo gia đình khi chuẩn bị làm nhà về nguy cơ sạt lở, gia đình cũng đã làm lùi ra xa chân taluy khoảng 2m. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, cũng rất bất ngờ vì chúng tôi đã cảnh báo và nhắc bà con kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên hiện đang ngày mùa thu hoạch thuốc lá, bà con sáng đi tối về nên không kiểm tra được thường xuyên được nên chúng tôi cũng không phát hiện kịp thời”.
Hiện trường vụ sạt lở đất đá khiến 3 người tử vong tháng 5/2024 tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn
Theo thống kê của sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn, hiện toàn tỉnh có 501 vị trí có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai với gần 2.500 hộ dân đang sinh sống. Trong đó, có 384 điểm có nguy cơ về sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.900 hộ gia đình. Đáng lo ngại là do nguồn lực hạn hẹp nên nhiều năm qua, Bắc Kạn chưa thể di dời người dân đến nơi an toàn hoặc bố trí kinh phí khắc phục triệt để các điểm có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Trong khi đó, một số gia đình nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của sạt lở lại bất chấp nguy hiểm san ủi chân đồi, taluy cao để làm nhà... Bà Nguyễn Thị Lê, Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi &PCLB tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Hình thái thiên tai và nguy cơ thiên tai chủ yếu ở Bắc Kạn là mưa lớn gây lũ quét và sạt lở đất đá. Khó khăn đó là địa hình đa phần là đồi núi nên chỗ nào cũng có thể xảy ra nếu mưa lớn. Công tác di dân cũng hết sức hạn chế do tỉnh nguồn kinh phí còn khó khăn, chỉ có thể thực hiện với điểm có nguy cơ rất cao hoặc đã xảy ra rồi. Các điểm còn lại sẽ lên phương án ứng phó và di dời tạm thời khi có tình huống mưa lũ xảy ra”.
Trước các vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản và những diễn biến khó lường của thời tiết, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục yêu cầu chính quyền các thôn, xã rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, nhất là các vị trí có nguy cơ cao đến rất cao. Đồng thời, có phương án ứng phó cụ thể với từng vị trí và kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn khi có mưa lũ xảy ra. Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Tỉnh cũng đã có phương án ứng phó cụ thể, có kế hoạch phân giao nhiệm vụ đến từng cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã. Tuy nhiên với địa hình chia cắt, độ dốc lớn nên cũng rất khó để kiểm soát hết được mọi chỗ, mọi nơi. Do đó, chúng tôi có những cảnh báo, nhắc nhở người dân, yêu cầu các địa phương phải tiếp tục rà soát, có phương án ứng phó và báo cáo kịp thời nếu vượt quá khả năng của địa phương”.
Sạt lở trở thành nỗi lo thường trực của nhiều hộ dân Bắc Kạn trong mùa mưa lũ
Từ đầu năm đến nay, Bắc Kạn đã có 8 đợt mưa vừa đến mưa to kèm dông lốc, gió giật mạnh làm 3 người thiệt mạng, hơn 2.100 nhà bị thiệt hại do sạt lở đất, đá, tốc mái; 590ha lúa, ngô, hoa màu và cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng; hơn 300 con gia súc, gia cầm bị nước cuốn trôi; Hàng chục công trình thủy lợi, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở khối lượng khoảng 50.000m3 đất đá... Tổng thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng./.
Công Luận/VOV Đông Bắc