Cập nhật : 0:0 26/12/2019
VOV1 - Trong 2 phần đầu của loạt bài “Lời giải nào cho bài toán thiếu điện ở Việt Nam?” được phát sóng trong các chương trình Thời sự Đồng hành trước chúng tôi đã đề cập việc “Căng thẳng nguồn cung điện… 2020”, khả năng thiếu hụt nguồn điện lớn - lên tới hơn 7 tỷ kWh vào năm 2021 và thiếu hụt khoảng 12 tỷ kWh vào năm 2022 - khi nhiều dự án phát triển nguồn điện trong Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh vẫn đang chậm tiến độ và được dự báo tiếp tục chậm, thậm chí khó có thể hoàn thành theo mục tiêu đề ra. Trong khi nguồn điện nhập khẩu không được nhiều, và muốn tăng nhập khẩu cũng cần phải có lưới để truyền tải, nghĩa là phải đầu tư lưới điện liên kết với các quốc gia lân cận thì mới có thể nhập khẩu được. Trong bối cảnh đó, hàng loạt dự án phát triển nguồn điện mặt trời ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong tháng 6/2019 để kịp hưởng chính sách giá mua ưu đãi của Nhà nước là 9,35 cent/kWh. Thế nhưng, hệ thống lưới truyền tải điện ở đây lại không được thiết kế song hành, bổ sung kịp thời để đáp ứng sự gia tăng của nguồn - đã dẫn đến tình trạng quá tải, có điện từ nơi cung mà không đến được với nơi cần. Câu chuyện về một doanh nghiệp tư nhân khẳng định có đủ năng lực để xây đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV - với công suất truyền tải lên tới 2.000MW và sẵn sàng “tặng” cho Nhà nước - đã được báo chí thông tin thời gian gần đây, như mở đầu cho những gợi ý, đề xuất “xã hội hóa” lưới truyền tải điện ở Việt Nam. Đây cũng là nội dung được phóng viên Nguyên Long đề cập trong phần 3 của loạt bài “Lời giải nào cho bài toán thiếu điện ở Việt Nam?” với tựa đề: “Xã hội hóa” lưới truyền tải điện: Những nút thắt cơ bản cần tháo gỡ”.
×