VOV1 - Nhà nước pháp quyền là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên cơ sở pháp luật. Nhà nước pháp quyền là chế độ mà ở đó, mọi chủ thể như nhà nước, cơ quan nhà nước, công chức, viên chức, cá nhân hay mọi chủ thể khác đều phải chấp hành, thực hiện, tuân thủ pháp luật đã được ban hành.
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta khẳng định nhất quán đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ 13, Đảng ta đã chỉ rõ ưu điểm, thành tựu, cũng như hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm…trong xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn phát triển tiếp theo với mục tiêu nhất quán: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.”
Vậy so với trước đây, các vấn đề về xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong Dự thảo Văn kiện Đại hội 13 có những nội dung, điểm mới nào? Làm gì để xây dựng Nhà nước pháp quyền có hiệu quả hơn? Đây là nội dung được bàn luận trong chương trình Đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời: Giáo sư, Tiến sỹ Võ Khánh Vinh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.