VOV1 - Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, trong đó khẳng định, mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Để cụ thể hóa các quy định này của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Bộ Nội vụ đang hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; trong đó bổ sung quy định áp dụng xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác; bổ sung nguyên tắc xử lý kỷ luật hành chính đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của người đã nghỉ việc, nghỉ hưu được thực hiện sau khi có quyết định xử lý kỷ luật về Đảng. Liệu quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có thật sự là công cụ có ý nghĩa cảnh báo, tăng tính trách nhiệm, xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ và ngăn ngừa ý định “hạ cánh an toàn” của quan chức vi phạm hay không?