Đoàn viên, thanh niên Việt Nam luôn luôn phát huy mạnh mẽ vai trò yêu nước, xung kích, sáng tạo để lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là truyền thống quý báu của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong 85 năm qua. Đáp ứng yêu cầu của đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các phong trào Đoàn, Hội thanh niên cần phải đi vào thực chất, phát huy mạnh mẽ nhất trí và lực của tuổi trẻ Việt Nam. Bình luận của biên tập viên Mai Hồng.
Liên tiếp những ngày qua, thông tin tiêu cực xuất hiện dày đặc trên báo chí. Vụ nổ ở Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội làm cho 5 người chết, nhiều người bị thương, tài sản hư hại nghiêm trọng; vụ sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai đe dọa tính mạng của người dân, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Những câu chuyện đau lòng, những tai họa ấy, đáng tiếc lại xuất phát từ chính ý thức của con người, của một số người đã không làm đúng, không sống đúng pháp luật. Bình luận của biên tập viên Thu Thùy.
Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa có thông báo, sẽ quy hoạch, xây dựng 2 bến đậu bè, mủng của ngư dân ở hai đầu khu vực bãi tắm, nơi đang triển khai dự án Không gian ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương. Đây là quyết định đúng đắn, thuận lòng dân, hợp với xu thế phát triển tích cực. Bình luận của Nhà báo Uông Ngọc Dậu với nhan đề "Phát triển và văn hóa"
Thị trường thép lên cơn sốt vào giữa mùa xây dựng. Đáng lưu ý, biến động tăng giá không phải do thiếu nguồn hàng, mà là “găm hàng, thổi giá”. Đã có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Trong số đó, có nguyên nhân từ một văn bản mới được Bộ Công thương ban hành và có hiệu lực từ hôm qua, 22/3/2016. Đó là Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ các nhà sản xuất phôi thép trong nước. Vì sao một ngành sản xuất trong nước đang dư thừa công suất, lại đang phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm thép nhập ngoại mà thị trường vẫn khan hàng, người tiêu dùng có nguy cơ phải mua với giá cao hơn thực tế ? Bình luận của biên tập viên Nguyên Long.
7 tỷ người trên thế giới sống được là nhờ có nước; 1,5 tỷ người đang có công việc liên quan đến nước. Thế nhưng, nước ngọt, thứ tưởng chừng quá sẵn, quá rẻ, lại ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, ô nhiễm, hay bị xâm mặn. Điều đó đang đe dọa đến sức khỏe, đời sống, việc làm của hàng tỷ người trên thế giới, trong đó có hàng triệu nông dân Việt Nam ở Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, chính vì vậy mà Ngày nước thế giới năm nay, 22/3, Liên hợp quốc chọn chủ đề: Nước và việc làm. Thiếu nước sẽ gia tăng thất nghiệp. Bình luận của biên tập viên Vũ Dũng.
Hôm nay (21/3), Quốc hội khóa 13 khai mạc kỳ họp thứ 11, hoàn tất một số công việc còn lại trong chương trình làm việc của cả khóa, trong đó, có việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo Nhà nước. Việc này nhằm cụ thể hóa quan điểm lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là đối với các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước, đồng thời để bộ máy Nhà nước sớm bắt nhịp với việc lãnh đạo, điều hành đất nước. Đó là việc làm hợp Hiến, hợp pháp, đáp ứng yêu cầu thực tế đất nước hiện nay. Bình luận của biên tập viên Hoàng Mai Anh.
Một trong những sự kiện đáng chú ý trong tuần đó là việc Tổng thống Nga Putin bất ngờ tuyên bố rút phần lớn quân khỏi Xyri. Mặc dù còn không ít hoài nghi về quyết định này song rõ ràng đây là một nước cờ cao tay của ông Putin, một lần nữa nó thể hiện, Nga lại giành chiến thắng trên bàn cờ chính trị thế giới. Bình luận của biên tập viên Việt Nga.
Từ cách đây 4 năm, Liên hợp quốc đã chọn ngày 20/3 là "Ngày Quốc tế Hạnh phúc". Ở nước ta, thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc do Liên hợp quốc phát động, ngày 26/12/2013 Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định, phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm". Với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", ngày Quốc tế Hạnh phúc năm nay truyền đến thông điệp: Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc. Bình luận của biên tập viên Phương Hà.
Đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu đợt hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt chưa từng có trong vòng gần 100 năm qua. Theo tính toán sơ bộ, thiên tai hạn và mặn đã làm Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại khoảng 150.000 tỷ đồng và chưa dừng lại. Có lẽ, đây cũng chưa phải là đợt hạn hán và xâm nhập mặn lớn nhất, bởi khí hậu biến đổi ngày một bất thường, không ai dám chắc tình hình hạn hán và xâm nhập mặn sẽ không nặng nề, khắc nghiệt hơn trong tương lai. Vì thế, cần xây dựng kịch bản cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với biến đổi khí hậu, sống chung với thiên tai. Bình luận của biên tập viên Hương Lan.
Còn hơn hai tháng nữa, cử tri cả nước sẽ chính thức cầm lá phiếu, thực hiện quyền dân chủ, bầu ra những người xứng đáng, đại diện cho nhân dân tham gia Quốc hội khóa 14, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Hơn lúc nào, câu chuyện cơ cấu, chất lượng đại biểu; câu chuyện làm thế nào để lựa chọn được những đại biểu xứng đáng với sự gửi gắm niềm tin của dân, của đất nước lại trở thành đề tài nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi, chỉ khi đảm bảo cơ cấu, Quốc hội mới đúng là cơ quan dân cử, mới đúng là của dân, vì dân; chi khi đảm bảo chất lượng, Quốc hội mới xứng là Quốc hội trí tuệ, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Bình luận của biên tập viên Đàm Hoa với nhan đề "Tranh cử sẽ ra chất lượng"
Đã nhiều năm nay, câu chuyện về quản lý giá cả, chất lượng, phương thức kinh doanh đối với các mặt, hàng sản phẩm sữa nói chung luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Thu hút vì sữa không chỉ là một loại thực phẩm thông thường mà còn là thực phẩm dành riêng cho một số đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ, người già người bệnh. Và thu hút còn bởi vì đã nhiều năm nay các cơ quan quản lý nhà nước dường như vẫn loay hoay chưa tìm ra được một giải pháp hiệu quả để quản lý sản phẩm này. Biên tập viên Thu Thùy có bài bình luận nhan đề "Quản lý sản phẩm sữa không chỉ là vấn đề kinh tế"
Hôm nay 15/3, ngày Liên hợp quốc chọn làm Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới, và cũng là ngày vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, với quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng, có hiệu lực hơn 4 năm qua, nhưng dường như, người tiêu dùng chẳng có sự bảo vệ nào, qua hàng loạt những vụ vi phạm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận trong cân đong đo đếm, hàng giả, hàng nhái bủa vây người tiêu dùng. Bình luận của biên tập viên Ngọc Diệu.
Hình ảnh một Cụ ông ở Quảng Bình làm đám giỗ 64 liệt sĩ hy sinh ở bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa được báo chỉ đăng tải mấy ngày qua thực sự gây xúc động mạnh đối với mọi người. Đó không còn là việc riêng của một gia đình mà là lòng tri ân của mỗi người dân đối với những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp gìn giữ chủ quyền biển đảo. Đồng thời cũng là thông điệp nhắc nhở mọi người dân Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn phải cảnh giác với hiểm họa xâm lăng. Bình luận của biên tập viên Nguyễn Vân Thiêng.
Với quyết tâm đẩy lùi tệ nạn và tội phạm tham nhũng, những năm qua Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết; hệ thống văn bản pháp luật từ Luật đến các nghị định, thông tư về phòng, chống tham nhũng cũng được Chính phủ, các Bộ, ngành xây dựng. Những Chỉ thị, Nghị quyết và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được vận dụng vào thực tiễn đã góp phần quan trọng xây dựng thể chế, phát triển đất nước. Nhưng, theo đánh giá của Trung ương và các ngành chức năng, thực trạng tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân. Mà một trong những cái khó để cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt được yêu cầu như mong muốn lại chính từ cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng. Bình luận của biên tập viên Đàm Hoa.