logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Covid-19 tác động tới bầu cử ở nước Mỹ (30/3/2020)

Đến thời điểm này, nước Mỹ đã trở thành tâm điểm của dịch Covid-19 lớn nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc và Italia. Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến mọi mặt đời sống của người dân, mà còn làm thay đổi hoàn toàn bức tranh bầu cử ở Mỹ. Đã có ít nhất 13 bang của nước này hoãn bỏ phiếu sơ bộ và con số này dự kiến sẽ còn tăng, khi giới chức y tế cảnh báo các biện pháp bao gồm dãn cách xã hội có thể được áp dụng trong nhiều tuần nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Vậy, nhân tố virus SARS-Cov2 gây dịch Covid-19 có ảnh hưởng thế nào tới cuộc bầu cử tổng thống? Biên tập viên Quỳnh Hoa trao đổi với phóng viên Phạm Huân, thường trú tại Mỹ về vấn đề này.

Đông Nam Á trước nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 (27/3/2020)

Sau khi Myanmar và Lào xác nhận có ca nhiễm virus Sars-CoV-2, đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã lan ra toàn bộ 11 quốc gia Đông Nam Á. Hiện nay đã có hai quốc gia ở Đông Nam Á có hơn 1.000 ca nhiễm là Malaysia và Thái Lan. Điều đáng chú ý là một số quốc gia ở Đông Nam Á từng được đánh giá là kiểm soát tốt dịch bệnh trong đợt bùng phát đầu tiên, ví dụ như Singgapore, thì đến nay cũng đang chứng kiến mức độ lây lan khá nhanh chóng. Các chuyên gia y tế đã cảnh báo về một đợt bùng phát dịch mới ở khu vực này, đòi hỏi chính quyền các nước phải có biện pháp quyết liệt và kịp thời trước khi quá muộn. Anh Quang Trung, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Thái Lan sẽ thông tin chi tiết về các nước Đông Nam Á đang ứng phó với nguy cơ bùng phát Covid-19 như thế nào.

Tổn thất của Nhật Bản khi hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (26/3/2020)

Nhật Bản vốn rất kỳ vọng vào Thế vận hội mùa hè 2020 bởi đây là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, cũng như là một “cú hích” cho nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn. Vậy nên, quyết định hoãn sự kiện này được cho sẽ gây tổn hại lớn đến kinh tế của “đất nước mặt trời mọc”. Cuộc trao đổi giữa BTV Thanh Huyền với PV Bùi Hùng – cơ quan thường trú Đài TNVN tại Nhật Bản sẽ làm rõ hơn nội dung này.

IMF cảnh báo suy thoái do Covid-19 sẽ tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 (25/3/2020)

“Sức khỏe” nền kinh tế toàn cầu hiện nay có thể chịu đựng các tác động của dịch bệnh Covid-19 đến mức độ nào? Đâu sẽ là điểm “tới hạn”, trong bối cảnh hàng loạt nền kinh tế châu Âu đang lao đao, còn đầu tầu số 1 là Mỹ cũng được dự báo chuẩn bị bước vào chu kỳ suy thoái. Vị khách mời của chương trình là chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng sẽ cùng BTV Phương Hoa phân tích rõ vấn đề

Trung Quốc khởi động lại guồng máy kinh tế sau Covid-19 (24/3/2020)

Trong khi các nước như Italia, Mỹ, Tây Ban Nha và rất nhiều quốc gia khác đang gồng mình chống chọi với sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19, thì Trung Quốc đã vượt qua thời kỳ đỉnh dịch, với số lượng người nhiễm mới và tử vong mỗi ngày ở mức rất thấp, chủ yếu là người ở nước ngoài trở về nước. Được đánh giá là đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, Trung Quốc giờ đây đã bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế sau khủng hoảng, với hàng loạt biện pháp quyết liệt được đưa ra nhằm vực dậy các ngành sản xuất sau thời gian gần 3 tháng đình trệ. Vấn đề với Trung Quốc hiện nay là sẽ phải sử dụng những giải pháp tổng lực, hỗ trợ cả sản xuất và tiêu dùng hay chỉ tập trung vào một số lĩnh vực chính?

Giữa đại dịch Covid-19: Mỹ có động thái dịu căng thẳng với Triều Tiên (23/3/2020)

Triều Tiên đã tiến hành vụ thử tên lửa tầm ngắn, làm nóng bầu không khí tại khu vực Đông Bắc Á. Thế nhưng, phản ứng từ phía Mỹ dường như có phần bình thản, thậm chí, phía Triều Tiên còn cho biết, Tổng thống Mỹ đã gửi một bức thư tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ ý định hợp tác trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang lan nhanh trên toàn cầu. Nhằm giải mã các bước đi vừa qua của các bên, PV Đài TNVN trao đổi với chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Tiến sĩ Lộc Thị Thủy, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Nỗ lực cứu nền kinh tế toàn cầu trước đại dịch Covid-19 (20/3/2020)

Sau 3 tháng hoành hành, dịch COVID-19 tiếp tục đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới. Đã xuất hiện nhiều lo ngại về sự sụt giảm của kinh tế toàn cầu, trong đó viễn cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 1,5%. Các chuyên gia thì đánh giá, những hệ lụy mà đại dịch COVID-19 đang và sẽ gây ra cho kinh tế toàn cầu cũng giống như một “cuộc chiến tranh kinh tế giữa thời bình”. Trước những kịch bản xấu và vô cùng khó lường, hàng loạt quốc gia, khu vực - trong đó có cả nền kinh tế số 1 là Mỹ đã phải đưa ra những gói hỗ trợ kinh tế khẩn cấp. Liệu những động thái này đã đủ để giúp nền kinh tế toàn cầu hạn chế thấp nhất các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra? Chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng sẽ giúp thính giả có câu trả lời về nội dung này.

Covid-19 – “bài tập thực tế” cho các ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 (19/3/2020)

Cùng với châu Âu, những diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Mỹ cũng đang theo chiều hướng xấu khi các ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Đáng chú ý nước Mỹ đang ở giai đoạn quan trọng khi cuộc đua bầu cử Tổng thống năm nay đang ngày càng gay cấn. Có lẽ chính vì vậy, việc đối phó ra sao với dịch bệnh sẽ là một “bài toán thực tế” cho các ứng cử viên.
- Để cập nhật những diễn biến mới nhất về dịch Covid-19 cũng như vấn đề này sẽ ảnh hưởng ra đến chính trường Mỹ trong thời gian tới, BTV Thanh Huyền có cuộc trao đổi với phóng viên Phạm Huân – cơ quan thường trú Đài TNVN tại Mỹ.

Đại dịch Covid-19 thách thức sự đoàn kết của châu Âu (18/3/2020)

Những giờ qua, châu Âu đang tiếp tục “oằn mình” tìm ra những giải pháp để ứng phó với dịch Covid-19 đang càng lúc càng diễn biến phức tạp, với con số người chết và ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh. Trong giải pháp mới nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đóng cửa toàn bộ biên giới trên bộ, trên biển và trên không của khối này trong vòng 30 ngày; còn trước đó là việc chi 25 tỷ Euro để ứng phó khủng hoảng. Dường như, sau nhiều ngày có những biện pháp rời rạc của từng quốc gia, châu Âu đã bắt đầu có một sự thống nhất giữa các nước thành viên để ứng phó với dịch bệnh.
Thế nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi: Chỉ với những giải pháp này, châu Âu đã có thể chứng minh sự đoàn kết của khối giữa cơn khủng hoảng hay chưa? Và rằng, đại dịch Covid-19 sẽ còn bộc lộ những khác biệt, chia rẽ vẫn đang tồn tại trong nội bộ EU. Trao đổi với phóng viên Quang Dũng - Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp theo dõi khu vực Tây Âu về vấn đề này.

Nước Anh hoang mang trước chiến dịch chống Covid-19 của chính phủ (17/3/2020)

Châu Âu đã trở thành trung tâm mới của dịch bệnh Covid-19 - nhận định này của Tổ chức Y tế thế giới đang ngày càng rõ rệt hơn trên thực tế, khi số ca nhiễm mới, số ca tử vong tại châu lục này vẫn tăng nhanh chóng. Tại Anh, hiện có 1.543 ca nhiễm và 55 ca tử vong. Trong khi số người nhiễm tăng lên từng ngày, thì người dân lại càng hoang mang khi có thông tin về một chiến lược phòng chống Covid-19 gọi là “miễn dịch cộng đồng” - một chiến lược mà Anh có thể chấp nhận số người nhiễm bệnh lên tới hàng chục triệu người. Vấn đề về “miễn dịch cộng đồng” tác động như thế nào đến tâm lý của người dân Anh? Bà Nguyễn Đỗ Sinh, nguyên Trưởng đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Anh sẽ làm rõ hơn câu chuyện này.

Dịch Covid-19 lan rộng: Nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chính thế giới (16/3/2020)

Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Cùng những hệ lụy về chính trị, xã hội, thì suy thoái kinh tế hiện là một trong những nguy cơ lớn nhất đe dọa thế giới thời điểm hiện nay. Thậm chí người ta đã nói tới nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chính toàn cầu tương tự như giai đoạn 2007-2008. Trong một diễn biến mới nhất, trong các dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2020, hàng loạt ngân hàng và tổ chức tài chính dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu có thể sụt giảm xuống chỉ còn 1% trong năm nay. Có thể nói, dịch Covid-19 hiện đang làm tê liệt một phần của nền kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc- nền kinh tế chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và Italia, một trong những thành viên của nhóm các nước phát triển công nghiệp G7. Nhà nghiên cứu Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phân tích rõ những kịch bản rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt do dịch Covid-19.

Thuốc Đông y Trung Quốc “đắt hàng” ở Mỹ thời Covid-19 (13/3/2020)

Dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và diễn biến phức tạp tại Mỹ khi số ca mắc đã vượt mốc 1.000. Trong bối cảnh vẫn chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị chống virus corona mới, nhiều người Mỹ đang tìm cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân và bắt đầu thay đổi cách nghĩ về các loại thuốc có thể hỗ trợ việc điều trị. Nếu như trước đây nhiều người Mỹ nói riêng và các nước phương Tây nói chung còn hoài nghi về các phương thuốc y học cổ truyền của Trung Quốc, thì nay khi dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh mẽ, người dân Mỹ bắt đầu tìm đến những bài thuốc cổ truyền này với hy vọng sẽ góp phần đẩy lui dịch bệnh đáng ngại hiện nay.

Đại dịch Covid-19 - Những vấn đề chính trị nhìn từ Trung Quốc và Tây Âu (13/3/2020)

Dịch COVID-19 đã lan ra hơn 100 nước trên toàn thế giới và trở thành đại dịch toàn cầu. Chỉ trong vài tuần vừa qua, số trường hợp xác nhận nhiễm COVID-19 và các ca tử vong tại Italia, Hàn Quốc, Iran đã tăng mạnh, biến những quốc gia này thành các tâm dịch mới. Đặc biệt tại châu Âu, Virus corona được nhận định đang lây lan nhanh hơn giai đoạn đỉnh cao của Trung Quốc.
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rằng cho đến nay, động thái quyết liệt của Trung Quốc là cách duy nhất chứng tỏ được hiệu quả ngăn chặn và hạn chế tối đa virus phát tán, lây lan. Song WHO cũng nhấn mạnh rằng không có một biện pháp nào là đúng cho mọi trường hợp. Sự khác biệt về thể chế là một trong những nguyên nhân đầu tiên. Câu chuyện xử lý khủng hoảng y tế thực sự đang trở thành một thách thức chính trị lớn đối với nhiều quốc gia và nó cũng cho thấy nhiều khía cạnh khác của đời sống chính trị và xã hội của thế giới. Trao đổi với các phóng viên Quang Dũng – Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp và phóng viên Bích Thuận – Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Trung Quốc về vấn đề này.

Nga sửa đổi Hiến pháp và những tác động (12/3/2020)

Ngày 11/03 Đu-ma Quốc gia (tức Hạ viện) Nga đã thông qua lần thứ ba và cũng là lần cuối dự luật “Cải thiện quy định về một số vấn đề tổ chức và hoạt động của cơ quan công quyền”, căn cứ vào đó sẽ tiến hành sửa đổi Hiến pháp Nga. Điểm nổi bật nhất của dự luật này là điều khoản quy định một người không thể giữ chức vụ Tổng thống Nga hơn 2 nhiệm kỳ liên tiếp vẫn sẽ được áp dụng, nhưng không tính đến số nhiệm kỳ người này đảm nhận trước đó. Cũng có nghĩa, điều này sẽ mở đường cho Tổng thống đương nhiệm Vladimia Putin tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo. Phóng viên Anh Tú - Thường trú Đài TNVN tại Nga thông tin.

Châu Âu giữa tâm dịch Covid-19 (12/3/2020)

Châu Âu đang trở thành tâm điểm của dịch Covid-19 với những diễn biến quá nhanh và phức tạp - tưởng chừng như mất kiểm soát. Hàng loạt biện pháp mạnh mẽ được lãnh đạo Liên minh châu (EU) và cả chính quyền các nước thực hiện, nổi bật là lệnh phong tỏa toàn quốc chưa từng có tại Italia hay việc giới chức EU lập quỹ 25 tỷ euro để cứu các nền kinh tế thành viên trước dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng, có vẻ như dù đã nỗ lực, nhưng các giải pháp của châu Âu nói chung và từng nước nói riêng vẫn chưa thể phát huy hiệu quả, với số ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng phi mã. Vậy điều gì đang thực sự xảy ra tại châu Âu, liệu có phải châu Âu đang bất lực trong công tác kiểm soát dịch bệnh? Biên tập viên Phương Hoa trao đổi với các phóng viên Đài TNVN thường trú tại châu Âu là anh Quang Dũng và anh Hải Đăng.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: