Căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, tỉnh Tiền Giang phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh đến năm 2025 là 22.103 ha, có 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia và đến năm 2030 là 29.500 ha.
Vụ lúa Đông Xuân năm 2023-2024 ở tỉnh Tiền Giang trúng mùa, trúng giá
Để thực hiện Đề án, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang triển khai các giải pháp gồm: Quy hoạch vùng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực; công tác thực hiện truy xuất nguồn gốc; xây dựng thương hiệu gạo; giải pháp về cơ giới hóa; liên kết tiêu thụ lúa.
Cánh đồng lúa tại Tiền Giang không lớn nhưng năng suất và chất lượng đạt cao
Tỉnh Tiền Giang có diện tích sản xuất lúa hàng hóa không lớn (chỉ khoảng 44 nghìn ha). Tuy nhiên, thời gian gần đây, bà con nông dân địa phương đã chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao, “lúa sạch”. Đặc biệt sản xuất lúa theo mô hình liên kết giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với nông dân đã phát huy hiệu quả, năng suất và chất lượng lúa ngày càng nâng cao.
Doanh nghiệp và nông dân chia sẻ mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao
Ông Châu Minh Hải, Giám đốc công ty TNHH thương mại HK (tại phường 9 thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có 10 năm liên kết với nông dân sản xuất lúa chất lượng cao chia sẻ: "Đề án 1 triệu ha lúa rất hay đó, vấn đề là nông dân mình phải chịu gắn vô làm, cần phải tuyên truyền vận động sâu để nông dân hiểu được vấn đề. Quan trọng nhất là làm sao chuỗi giá trị nông dân phải theo. Từ lúc tôi đưa vô chương trình bảo hiểm tự nguyện, nông dân tín nhiệm rất nhiều. Nông dân làm liên kết lâu ngày giờ theo luôn rồi, như vết dầu loang, lúa cón giá, giảm phun xịt thuốc, lãi cao"./.
Chu Trinh/VOV ĐBSCL