Đúng 12 giờ 25 phút trưa nay (31/5), chuyến tàu hàng mang số hiệu ASY22 dài hơn 320 m với 23 toa tàu có tải trọng 939 tấn đã di chuyển an toàn qua hầm đường sắt Chí Thạnh với vận tốc 5km/h. Như vậy, sau 10 ngày ách tắc vì sạt lở, đường sắt Bắc- Nam chính thức thông tuyến trở lại.
Đoàn tàu hàng tổng trọng tải hơn 930 tấn qua hầm Chí Thạnh
Trong 10 ngày qua, hơn 400 mét khối đất đá đã được hốt, dọn vận chuyển ra ngoài, hàng chục vì kèo được lắp dựng, bơm vữa xi măng để gia cố vỏ hầm. Việc thi công trong hầm đường sắt chật, hẹp, thiếu dưỡng khí gặp rất nhiều khó khăn, thời gian thông tàu bị dời lại nhiều lần.
Video đoàn tàu hàng qua hầm an toàn
Cuối giờ sáng nay, đoàn tàu công trình bị mắc kẹt trong hầm được kéo ra cửa hầm phía Bắc, sau đó được kéo về ga Chí Thạnh. Sau khi kiểm tra an toàn, đoàn tàu hàng nặng hơn 900 tấn đã thông hầm thành công. Anh Huỳnh Thế Anh, trưởng tàu Chi nhánh dịch vụ vận tải đường sắt Nha Trang cho biết: "Tàu này là tàu công trình, bị kẹt trong hầm, bữa giờ phía bên này chưa giải tỏa được. Trưa nay, toa xe bị kẹt trong hầm được lấy ra, kết lại thành một đoàn tàu kéo về ga an toàn. Khi đoàn tàu qua, tất cả mấy anh em mấy ngày nay cũng vất vả, thấy đoàn tàu qua, anh em cũng mừng đường sắt Bắc- Nam được thông suốt, an toàn, còn anh em được về đoàn tụ với gia đình".
Đoàn tàu qua hầm Chí Thạnh, sau 10 ngày ách tắc vì sạt lở
Tàu khách SE9 di chuyển từ ga Hà Nội đến ga Sài Gòn sẽ là đoàn tàu chở khách đầu tiên đi qua hầm đường sắt Chí Thạnh vào lúc 14 giờ 30 phút. Tiếp theo đó là các chuyến tàu SE21, SE8. Các đoàn tàu khách không còn phải trung chuyển bằng ô tô. Sau khi chính thức thông hầm đường sắt Chí Thạnh, đơn vị thi công sẽ tiếp tục kiểm tra và sửa chữa hầm cho đến khi đủ điều kiện an toàn, tiêu chuẩn kỷ thuật rồi sẽ nâng tốc độc của các tàu qua hầm là 15km/h.
Lãnh đạo Tổng công ty đường sắt khen thưởng, động viên người lao động
Hiện nay, toàn tuyến đường sắt Bắc Nam còn 12 hầm đường sắt xuống cấp cần sửa chữa, khắc phục để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu. Sau khi xảy ra sạt lở tại hầm đường sắt Chí Thạnh, hơn 200 cán bộ, công nhân chia thanh 3 ca túc trực 24/24 giờ tại hiện trường để thực hiện khoan neo tạo vòm sắt, phun bê tông bịt kín vị trí sạt lở rồi thu dọn lớp đất đá ra bên ngoài. Một tổ công tác khác cũng tiến hành khoan và đổ bê tông từ phía trên nắp hầm nhằm làm cứng lớp đất đá tại khu vực này. Trong quá trình khắc phục, đất đá tiếp tục sạt lở nên lượng đất đá trong hầm lớn hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu, thời gian thông hầm bị lùi lại nhiều lần. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "Ngay sau khi sự cố hầm Chí Thạnh xảy ra do sạt lở, xác định tính chất phức tạp của địa chất, địa hình của hầm này đã được xây dựng cách đây hơn 100 năm. Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Ban quản lý dự án 85 huy động các nhà thầu có chất lượng, uy tín và đầy đủ các phương tiện làm việc 24/24 giờ, thông tàu với thời gian sớm nhất".
Phía trong hầm Chí Thạnh đã được khắc phục sạt lở
Như đã thông tin, trước đó, ngày 21/5, khi sửa chữa, gia cố hầm đường sắt Chí Thạnh, một khối lượng đất đá đã đổ sụp xuống, không thiệt hại về người nhưng sự cố khiến đường sắt Bắc - Nam bị ách tắc. Các đoàn tàu khách phải dừng lại tại ga La Hai, huyện Đồng Xuân và ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên để trung chuyển hành khách bằng xe ô tô. Đã có gần 130 chuyến tàu với 36 ngàn hành khách phải trung chuyển, số hành khách phải trung chuyển cao hơn 20% so với sự cố sạt lở hầm Bãi Gió. Ông Đỗ Đình Dược, Phó Tổng Giám đốc Công ty dịch vụ vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay: "Lượng khách đợt này vẫn tăng hơn đợt trước, do vào dịp hè rồi. Rút kinh nghiệm lần trước tại Bãi Gió, lần này, chúng tôi đã bố trí toàn bộ xe máy lạnh chất lượng cao. Công tác phục vụ hành khách rất tốt, đội ngũ trợ giúp mang vác hành lý cho khách lên xuống tàu cũng rất chuyên nghiệp, giảm được sự nhầm lẫn, phiền hà cho khách hàng"./.
Thái Bình/VOV Miền Trung