VOV1 - Lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu thụ điện toàn quốc trong ngày 28/5/2024 đã lên tới hơn 1 tỷ kWh. Đồng nghĩa, công suất phụ tải điện đã tới hạn. Căng thẳng điện trong các giờ cao điểm rất dễ xảy ra, nhất là khi hệ thống điện gặp sự cố một số tổ máy điện có công suất lớn.
Nhờ có sự đồng hành của hơn 13 nghìn doanh nghiệp sử dụng điện lớn thực hiện chương trình “quản lý nhu cầu điện” (DSM), và cụ thể là thực hiện “điều chỉnh phụ tải điện” (DR) - thông qua việc hạn chế, giảm sử dụng điện trong các khung giờ cao điểm để dịch chuyển sang sử dụng điện vào giờ thấp điểm, đã góp phần cắt giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, giúp sử dụng hiệu quả nguồn điện, đảm bảo điện, nhất là trong các thời gian cao điểm mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm) khi nhu cầu điện tăng cao.
Đóng góp quan trọng như vậy, thế nhưng hiện nay các đơn vị liên quan vẫn đang thực hiện việc “điều chỉnh phụ tải điện” phi thương mại, nghĩa là kêu gọi, khuyến khích khách hàng (chủ yếu là các doanh nghiệp sử dụng nhiều điện) tự nguyện điều chỉnh giảm nhu cầu dùng điện trong các thời điểm nhu cầu của hệ thống tăng cao - mặc dù Việt Nam đã có “Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện” từ năm 2007.
Cần cơ chế, chính sách phù hợp để chương trình quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR) đạt hiệu quả như mục tiêu đề ra, đó là: góp phần đảm bảo cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện; giảm nhu cầu vốn đầu tư phải xây mới, mở rộng hệ thống điện; góp phần giảm áp lực tăng giá điện; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành điện.
Loạt bài hai kỳ “Quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện (DSM/DR) - Giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn điện đang cần cơ chế” của PV Bá Toàn đề cập nội dung này. Chương trình hôm nay phát sóng bài 1 với nhan đề “Nhiều doanh nghiệp lớn tham gia điều chỉnh phụ tải điện (DR)”:
Tác giả : Bá Toàn