VOV1 - Chúng ta đang bước vào những ngày cuối cùng của năm 2019, chứng kiến rất nhiều kết quả đạt được khá ấn tượng, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm đạt trên 6,8% - thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và trên thế giới. Có được điều đó, phải kể đến nỗ lực trong việc không ngừng đầu tư, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng quan trọng, thiết yếu, trong đó có điện. Về cơ bản, điện đã được đảm bảo cho phát triển kinh tế và đời sống, với mức tăng trưởng điện đạt 8,93% so với năm 2018. Thế nhưng, nhìn lại năm 2019, có thể nói, “điện” vẫn là từ “nóng” nhất, được gọi tên nhiều nhất - từ nghị trường Quốc hội cho đến mỗi người dân. Khí hậu bất thường, nắng mưa, khô hạn - nhà nhà bàn về điện. Cao điểm mùa khô, cháy rừng ở miền Trung nhưng người người canh cánh nỗi lo mất điện miền Bắc. Năm 2019 có lẽ cũng là năm cho kết quả ghi nhận sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực điện năng. Bằng chứng là trong suốt quá trình phát triển 65 năm, ngành điện mới có 147 nhà máy - tính công suất nguồn từ 30 MW trở lên được hòa lưới, đi vào vận hành. Nhưng chỉ trong 3 tháng (4,5,6) của năm 2019, đã có gần 90 nhà máy điện mới được đóng điện an toàn, hòa vào hệ thống điện quốc gia (cho dù công suất và tính năng của mỗi nguồn điện có khác nhau). Đây thực sự là một kỷ lục trong lịch sử của ngành Điện Việt Nam. Cũng có lẽ, chưa bao giờ đằng sau một chữ “điện” thôi nhưng lại xuất hiện nhiều những cụm từ đáng phải quan tâm đến thế. Từ những cảnh báo về “nguy cơ” thiếu điện do “vỡ” Quy hoạch đến đề xuất tăng “nhập khẩu” điện; Từ sự “tắc nghẽn cục bộ” của đường dây tải điện ở một vài địa phương đến đề xuất “xã hội hóa” hệ thống truyền tải điện… Đề xuất ấy, mong muốn thôi thúc ấy - có lẽ là bởi những cảnh báo về việc “thiếu điện” không còn là nguy cơ nữa, mà nó có thể bắt đầu ngay trong năm tới đây - năm mà chúng ta tăng tốc phát triển để hoàn thành, về đích các mục tiêu của giai đoạn 5 năm (2016-2020) và 10 năm (2011-2020); Và thiếu điện sẽ ngày càng trầm trọng hơn từ năm 2021 - khi bước vào giai đoạn phát triển mới (2021-2030). Cụ thể thì “điện” sẽ thế nào trong năm 2020? Nhập khẩu điện dễ hay khó? Xã hội hóa lưới điện ra sao? Và điều quan trọng là làm gì để có điện? Tiếp theo loạt bài “Làm gì để Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia không bị phá vỡ?” phát sóng mới đây, từ hôm nay (24/12) Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục phát sóng loạt bài phân tích “Lời giải nào cho bài toán thiếu điện ở Việt Nam?” của phóng viên Nguyên Long. Bài đầu tiên có tựa đề “Căng thẳng nguồn cung điện… 2020”.