Quy mô và có dấu ấn riêng
Phát biểu khai mạc Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tiếp nối các kết quả của Lễ hội Sông nước lần thứ nhất, lắng nghe ý kiến và kỳ vọng của người dân, du khách, Lễ hội sông nước lần thứ 2 tiếp tục được tổ chức. Lễ hội nhằm tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của những dòng sông di sản, lan toả niềm tự hào và tình yêu Thành phố.
TP.HCM hướng đến xây dựng Lễ hội thành sự kiện thường niên dài ngày, quy mô lớn, mang dấu ấn riêng. Đặc biệt, không dừng lại các hoạt động của TP.HCM và tại Thành phố, Lễ hội lần thứ 2 có sự tham gia và hưởng ứng của các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Chương trình nhấn mạnh lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm qua của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM có dấu ấn quan trọng của các dòng sông.
(Câu chuyện lịch sử ngày 5/6/1911, Bác Hồ - lúc này lấy tên Lê Văn Ba, chuẩn bị lên tàu rời Cảng Nhà Rồng để ra đi tìm đường cứu nước - Ảnh Tỷ Huỳnh)
Không chỉ kiến tạo nên dáng hình phố thị, hệ thống sông và kênh rạch của Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định – TP.HCM còn là nơi lưu giữ những mạch nguồn văn hoá, tình cảm gia đình, làng xóm, quê hương; là mạch nguồn để lớp lớp người con anh dũng đi theo tiếng gọi non sông.
Dòng sông chứng kiến chuyến tàu huyền thoại đã đi vào trái tim mỗi con người Việt Nam – chuyến tàu đưa Bác Hồ rời bến, bắt đầu hành trình bôn ba khắp nơi kéo dài hơn 3 thập kỷ, với ý chí sắt son quyết tìm ra con đường giải phóng dân tộc.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, chương trình là sự tôn vinh và tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỉ niệm 113 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước. Đây là dịp để người dân TP tưởng nhớ và biết ơn các thế hệ cha ông, từ những ngày đầu khẩn hoang, kiến thiết, đấu tranh cho nền độc lập, tự do, thống nhất của dân tộc và dấn thân vì hạnh phúc của nhân dân: “Chương trình cũng là thông điệp thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố tiếp nối truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung, dám nghĩ, dám làm, không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng, giàu nội lực, bản lĩnh, sẵn sàng khẳng định vị thế trong thời đại mới”.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, Lễ hội Sông nước năm nay, ngành du lịch TP nhận được nhiều tín hiệu tích cực. So với lần thứ nhất thì các sản phẩm du lịch, sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp đường thủy nhiều hơn.
Năm nay, Lễ hội kéo dài trong 10 ngày (từ 31/5 - 9/6), thay vì chỉ 4 ngày như năm ngoái. Thời điểm tổ chức Lễ hội cũng có sự thay đổi so với lần đầu, nhằm giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của thời tiết đến sự kiện. Đồng thời mở ra các chuỗi hoạt động phục vụ du khách trong cao điểm du lịch hè.
Đặc biệt, lễ hội năm nay có quy mô lớn hơn lần thứ nhất, với sự hưởng ứng tham gia của rất nhiều quận huyện, đa dạng các chương trình, hoạt động khác nhau. Bao gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật, đờn ca tài tử; trang trí ánh sáng nghệ thuật dọc các kênh; nhiều cuộc thi thể thao dưới nước; tái hiện chợ nổi, các hoạt động trưng bày, giới thiệu nông sản, đặc sản, trái cây các vùng miền….
Độc đáo và mãn nhãn
(Trình diễn bên sông - Ảnh Tỷ Huỳnh)
Thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, năm 2023, thông qua Lễ hội Sông nước lần thứ nhất, lượng du khách đến và lưu trú tại TP.HCM tăng 20-23%, lượng khách tham gia các hoạt động đường thủy cũng tăng lên khoảng 15-30%...
Với Lễ hội Sông nước lần thứ 2, ngành du lịch TP.HCM kỳ vọng hiệu quả kinh tế cao hơn, thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến và ở lại TP.
Thông qua dòng sông Sài Gòn, điểm nhấn của ngành du lịch đồng thời cũng là huyết mạch của kinh tế TP.HCM, để kể những câu chuyện văn hóa lịch sử của vùng đất này.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Giá trị truyền thống đó là chúng ta định hình, định dạng được một sản phẩm du lịch, chúng tôi kỳ vọng sẽ kéo dài thành một sản phẩm du lịch định kỳ, để cho các du khách quốc tế biết tới Lễ hội sông nước TP.HCM và tham gia, thưởng thức. Đồng thời tạo thành một trong những điểm nhấn và trở thành điểm đến hấp dẫn cho TP.HCM”.
Điểm nhấn của chương trình khai mạc Lễ hội Sông nước TP.HCM lần 2 là màn bắn pháo hoa tầm thấp và các tiết mục nghệ thuật vũ kịch đương đại kết hợp trình diễn sân khấu nổi cực kỳ quy mô trên sông Sài Gòn, với sự tham gia của hơn 1.000 ca sỹ, nghệ sĩ, diễn viên.
Sân khấu có sức chứa 9.000 người được dàn dựng trên một không gian rộng trên bờ và dưới sông Sài Gòn, thường xuyên thay đổi bối cảnh, áp dụng các kỹ xảo điện ảnh đã đem đến nhiều bất ngờ, mãn nhãn cho người xem.
(Trình diễn ánh sáng Nghệ Thuật - Ảnh Tỷ Huỳnh)
Chị Trần Lê Ánh Nguyệt, ngụ Quận 7 tham dự chương trình cho biết, lần đầu tiên chị được thưởng thức một chương trình lớn chưa từng có, với vở đại nhạc kịch ngoài trời độc đáo, đặc sắc trên sông Sài Gòn: “Mình cảm thấy rất hào hứng, khó tả, chương trình cho mình rất nhiều bài học, ôn lại những kiến thức lịch sử như cảnh Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, làm cho mình có cảm xúc dâng trào, thể hiện tình yêu nước của thế hệ trẻ. Mình có suy nghĩ là phải sống tốt hơn nữa, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với những gì mà ông cha ta đã hy sinh và xây dựng đất nước”./.
KIM DUNG - TỶ HUỲNH/VOV TPHCM