logovov
BAN THỜI SỰ VOV1
Cập nhật : 11:7 30/5/2024
Gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc, cần sự chung tay của người dân

VOV1 - Với sự phát triển của xã hội, do nhiều nguyên nhân, trang phục truyền thống của đồng bào Mông đã ít nhiều bị mai một. Điều này rất cần mỗi người dân tiếp tục có những việc làm cụ thể chung tay cùng chính quyền gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa.

          Ở không ít bản đồng bào Mông vùng cao bây giờ, điều dễ nhận thấy là thiếu vắng hình ảnh chị em phụ nữ dân tộc Mông vừa đi bộ, tay vừa se lanh, hoặc tự thêu tay những bộ trang phục nguyên bản cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Về với các chợ phiên vùng cao, điều này càng rõ hơn khi nhiều chị em phụ nữ Mông chỉ mặc chiếc váy Mông may bằng vải in công nghiệp kết hợp với áo phông, hoặc áo sơ mi. Chị Khang Thị Phếnh , người dân ở phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La chia sẻ: “Nhuộm chàm, xe lanh thì em không biết làm, nhưng khi nào làm thành vải rồi thì em có biết thêu những bộ trang phục truyền thống để mặc vào những ngày lễ hội, lễ tết, cưới xin. Còn trong đời sống hàng ngày thì em chỉ mặc quần áo người kinh thôi”.

          Nguyên nhân được cho dẫn tới tình trạng này là một bộ phận bà con muốn mặc những bộ trang phục thuận tiện cho sinh hoạt, lao động sản xuất, chưa nhận thức hết trách nhiệm bảo tồn, lớp trẻ mải du nhập cái mới, chưa quan tâm đến việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống trong trang phục. Ngoài ra, các bộ trang phục cách tân, thêu may công nghiệp vừa đỡ mất sức, giá thành rẻ, lại bắt mắt, thuận tiện. Vì thế, không chỉ những chàng trai, cô gái Mông, chị em phụ nữ, nhiều đàn ông dân tộc Mông cũng mặc những bộ trang phục cách tân thay thế với những bộ có họa tiết thêu tay truyền thống. Lớp trẻ thì càng thiên về việc lựa chọn mua và mặc những bộ trang phục cách tân, sử dụng vải in với họa tiết màu sắc,  nhất là họa tiết dây lưng của nhóm Mông Trắng và chân váy của Mông si, Mông Hoa. Thậm chí, không ít bạn trẻ giờ chỉ mặc quần áo của dân tộc Kinh. Anh Vừ Phổng Thếnh - Bản Pha Khuông, xã Co Mạ, Thuận Châu, Sơn La cho biết: “Bà con ngày càng có xu thế mua các bộ trang phục cách tân về mặc. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tôi đã đầu tư mở cửa hiệu này để may trang phục dân tộc mình bằng vải in công nghiệp phục vụ bà con trên địa bàn. Chủ yếu là gia đình tự may và thuê 2 người để may cùng”.


(Chị em phụ nữ Mông ở chợ vùng cao Co Mạ-Thuận Châu-Sơn La)

          Trước nguy cơ mai một bộ trang phục truyền thống của đồng bào, chính quyền địa phương và nhiều người dân đã có những việc làm cụ thể, thiết thực để gìn giữ trang phục truyền thống. Chị Lầu Thị Sông, bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, Bắc Yên,Sơn La trăn trở: “Nếu chúng ta không mặc đúng trang phục nguyên bản của mình, thì người khác nhìn vào bộ trang phục sẽ không biết mình thuộc nhóm Mông nào. Sau khi bắt chuyện, hỏi ra thì mới biết cô này, cô kia thuộc nhóm Mông đen, Mông Trắng hay Mông Hoa”.

          Gia đình anh Giàng A Chư, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái không những miệt mài với công việc thêu may vải thổ cẩm, vải lanh của đồng bào dân tộc Mông để bảo tồn, mà còn may để phục vụ nhu cầu của bà con trong, ngoài tỉnh qua oline, facebook.  Niềm đam mê, sự miệt mài với trang phục truyền thống dân tộc của gia đình anh Giàng A Chư đã lan tỏa, thu hút không ít những chị em phụ nữ trẻ đến học cách thêu và may trang phục dân tộc mình. Theo anh Chư: đây cũng là giải pháp hữu hiệu để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông, vừa giúp cho gia đình nâng cao thu nhập: “Có người đến tận nhà mua, những người ở xa không đến mua được thì đặt mua qua mạng rồi tôi chuyển đi. Ngoài ra, tôi cũng nhận may theo yêu cầu của khách, ví dụ như bà con ở các tỉnh khác muốn may theo kiểu trang phục của họ thì chỉ cần chụp hoặc gửi mẫu qua đây, gia đình tôi may, gửi cho họ. Mỗi tháng tổng thu nhập từ 70-80 triệu, trừ hết chi phí, còn lãi 30-40 triệu đồng”.

          Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn, bảo tồn những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc nói chung và trang phục của đồng bào Mông nói riêng.

(Các sạp hàng chủ yếu bày bán trang phục dân tộc Mông cách tân)

           Như thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai  đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư 5 điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN tại 5 xã gắn với đặc trưng 05 dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã gồm dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó. Theo đó, các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa dân tộc, trong đó có trang phục truyền thống của dân tộc được khôi phục, phát triển để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch.

          Tại Sin Suối Hồ, xã vùng cao của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, những năm gần đây chính quyền xã không những tuyên truyền, vận động bà con bảo tồn trang phục truyền thống, mà còn mở các lớp dạy vẽ sáp ong, trồng cây lanh, dệt vải, thêu may trang phục dân tộc. Do vậy, 100% đồng bào Mông trên địa bàn xã đều mặc trang phục nguyên bản. Anh Sùng A Lùng, Phó chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ cho biết: “Trong bản đều trồng lanh, xe lanh và dệt vải may váy, chủ yếu là chị em phụ nữ thêu bằng tay những bộ trang phục đúng nguyên bản; ngoài ra bà con cũng mua vải in hoa văn về may trang phục để phục vụ cho khách du lịch có nhu cầu thuê chụp ảnh hoặc mua”

          Bộ trang phục truyền thống của đồng bào Mông rất đặc sắc, cầu kỳ, mang đậm nét văn hóa dân tộc, tạo nên bản sắc văn hóa riêng có. Bởi vậy, việc gìn giữ, bảo tồn bộ trang phục truyền thống cần sự chung tay của mỗi người dân ở các bản làng đồng bào Mông. Bởi đó chính là góp phần thiết thực trong việc bảo tồn giá trị văn hóa cho con cháu muôn đời sau./.

 

VỪ CHU-VOV TÂY BẮC

Tải file

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
6h28-6h30 Quảng cáo
8h35-8h40 Quảng cáo
8h50-8h55 Quảng cáo
9h35-9h40 Quảng cáo
9h55-10h00 Quảng cáo
10h05-10h10 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
13h40-13h45 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
17h50-17h59 Quảng cáo
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: