Hôm qua, còi báo động lại vang lên ở thành phố Tel Aviv và khoảng 30 khu vực trên khắp miền trung Israel. Lữ đoàn al-Qassam của Hamas nhận tiến hành vụ phóng rốc-két, với tuyên bố đáp trả “các vụ thảm sát của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái nhằm vào dân thường Palestine.
Khung cảng hoang tàn ở giải Gaza
Sau vụ việc, giới chức Israel tuyên bố, hành động của Hamas là bằng chứng cho thấy quân đội cần “dồn toàn lực” cho các chiến dịch trên bộ. Bộ trưởng Nội các chiến tranh Benny Gantz khẳng định, việc bắt giữ con tin và tiếp tục tấn công các thành phố Israel sẽ khiến Hamas tiếp tục phải trả giá, dù sớm hay muộn. Còn Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir cùng kêu gọi quân đội phát động tiến công với mục tiêu kiểm soát hoàn toàn thành phố Rafah, miền Nam dải Gaza.
Trong khi, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant nhấn mạnh, nhiệm vụ của quân đội đang trở nên rõ ràng hơn ở Rafah. Đó là loại bỏ Hamas, đưa các con tin trở về. Và rằng Israel không chỉ trông chờ vào các cuộc đàm phán mà cũng lên kế hoạch để tự giải cứu các con tin nếu có thể.
Binh sĩ Israel tuần tra bên ngoài một đồn cảnh sát bị tên lửa của Hamas phá hủy ở Sderot, miền Nam Israel
Theo sau các tuyên bố, quân đội Israel ngay lập tức không kích Rafah nhằm vào một khu nhà ở của Hamas, với việc sử dụng vũ khí có độ chính xác cao và thông tin tình báo kịp thời. Tuy nhiên quân đội Israel xác nhận, vụ tấn công cũng đã xảy ra hỏa hoạn cho khu vực dân cư liền kề và vụ việc đang được xem xét.
Giới chức y tế ở Rafah cho biết, vụ không kích của Israel đã đánh trúng một trại tị nạn, gần vị trí hậu cần của UNRWA – cơ quan cứu trợ Liên Hợp Quốc, khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Vụ không kích bước đầu được nhận định có sử dụng loại boom gần 01 tấn do Mỹ cung cấp.
Khói lửa chiến tranh đang bao trùm dải Gaza
Theo truyền thông Gaza, trong 24 giờ qua, 190 người ở Gaza đã thiệt mạng khi Israel thực hiện hơn 10 chiến dịch tấn công trên khắp Gaza.
Chính quyền Palestine và Hamas đã gọi cuộc không kích của Israel ở Rafah là vụ thảm sát sau các phán quyết yêu cầu ngừng bắn từ Tòa Công lý Quốc tế. Hamas khẳng định, Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm về sự leo thang nghiêm trọng này.
Sự leo thang đối đầu quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas diễn ra ngay khi có thông tin các cuộc đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin sẽ được nối lại vào tuần này.
Theo một số nguồn tin, Israel đã đồng ý trở lại bàn đàm phán sau khi nhiều thành viên chính phủ thống nhất được một số bước đi, cho phép phái đoàn tham gia đàm phán của nước này có thêm không gian đối thoại. Theo kế hoạch, các bên sẽ bắt đầu thảo luận về các đề xuất “mới” cho mục tiêu ngừng bắn và giải phóng con tin, với sự trung gian của Ai Cập và Qatar.
Cảnh đổ nát sau vụ oanh kích của Israel xuống trại tị nạn Maghazi, miền Trung Gaza
Từ Bruxelles, Bỉ, Ngoại trưởng Saudi Arabia, hoàng tử Faisal Bin Farhan Bin Abdullah nhận định, tình hình Gaza cực kỳ nguy cấp và các nước kêu gọi Israel phải ngừng bắn khẩn cấp ở Gaza và chấp nhận đàm phán về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột dai dẳng. Ngoại trưởng Saudi Arabia nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước có lợi cho cả Palestine, Israel và các nước trong khu vực. Đồng tình với quan điểm này, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cho biết: “Giải pháp hai nhà nước không phải là sự nhượng bộ đau đớn mà Israel đang thực hiện, cũng không phải là mối đe dọa an ninh đối với Israel mà ngược lại, nó là sự đảm bảo lâu dài duy nhất cho an ninh và thịnh vượng của Israel. Tôi biết rằng chính phủ Israel hiện tại không bị thuyết phục về điều đó và chúng ta phải nỗ lực để thực hiện ý tưởng này, thông qua dư luận để thúc đẩy giải pháp duy nhất mà chúng tôi có thể tưởng tượng nhằm mang lại hòa bình và an ninh cho hai dân tộc đang chiến đấu vì cùng một vùng đất.”/.