Với sự thẳng thắn, dân chủ, mạnh dạn của thanh niên, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi tới Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và lãnh đạo các sở ngành về các nội dung như: giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng Thủ đô sáng - xanh - sạch - đẹp; ứng dụng năng lượng xanh và quy hoạch vùng đô thị; trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của Thủ đô, tuyên truyền và quảng bá du lịch. Đồng thời đề xuất, hiến kế trong các lĩnh vực xây dựng công dân số, chính quyền số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế thu hút nhân tài và ứng dụng khoa học công nghệ trong “Kỷ nguyên số”.
Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Ba Đình Phạm Thu Phương nêu ý kiến: Thời gian qua các tỉnh thành phía Bắc trong đó có thành phố Hà Nội vừa trải qua cơn bão lịch sử cơn bão số 3, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng nguyên nhân sâu xa do dô nhiễm môi trường từ các nhà máy, các phương tiện giao thông đặc biệt là do nạn chặt phá rừng và khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức vậy trong thời gian tới, các đồng chí lãnh đạo sẽ có những giải pháp nào để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố?
Về vấn đề này, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết: Hà Nội đang triển khai đồng bộ quy hoạch Thủ đô đảm bảo theo định hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng đô thị nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới cải trang cải tạo, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, với mục tiêu phát triển kinh tế thủ đô nhanh, bền vững và kiểm soát ô nhiễm, nâng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã 2030, hướng tới một thành phố khỏe mạnh, đáng sống.
Còn Phó Bí thư huyện đoàn Gia Lâm Nguyễn Duy Khánh hiến kế để giảm thiểu tình trạng ngập úng cục bộ khi có những trận mưa: “Tôi mạnh dạn tham mưu với các lãnh đạo thành phố giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này, kính đề nghị các đồng chí quan tâm bố trí thêm quỹ đất để xây dựng thêm các công viên cây xanh, thảm thực vật, hút bớt lượng nước khi có mưa. 2 là quan tâm xây dựng hệ thống tuyến đường vỉa hè có rãnh thoát nước và có rãnh thẩm thấu tự nhiên đẻ giảm tải áp lực xả nước tới hệ thống.”
Đánh giá cao các ý kiến, hiến kế của thanh niên nhằm giải quyết các vấn đề của Thủ đô tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng: các giải pháp, hiến kế của Thanh niên đều có giá trị và sẽ là cơ sở để thành phố Hà Nội chắt lọc đưa vào các văn bản, chính sách của Thủ đô. Nhấn mạnh Luật Thủ đô vừa được Quốc hội khóa 15 thông qua là luật rất quan trọng, liên quan đến công cuộc phát triển xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, thông minh của Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh mong muốn đoàn viên, thanh niên dành thời gian tìm hiểu nhằm góp phần thực thi, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương dành cho thành phố.
Ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: "Hiện các khu đô thị mới bắt đầu chứa nội hàm xanh và thông minh, Hà Nội cũng chính thức đã phê duyệt đề án là chúng ta chuyển đổi xe buýt công cộng, chúng ta cố gắng đi trước được phần chung của cả nước tới năm 2045, thì Hà Nội đến 2035 chúng ta cơ bản chuyển đổi toàn bộ xe buýt chạy bằng động cơ hiện nay sang năng lượng khác xanh hơn"
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đề nghị, các sở, ban, ngành chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất, giải quyết kịp thời, hiệu quả những ý kiến, kiến nghị chính đáng của đoàn viên, thanh niên. Đối với tổ chức Đoàn, tiếp tục đổi mới linh hoạt, năng động hơn trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết, định hướng cho thế hệ trẻ, nhất là phương thức tổ chức các phong trào, hoạt động nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. /.