logovov
BAN THỜI SỰ VOV1
Cập nhật : 10:18 26/12/2020
Chấn thương mắt do lao động, làm nông có thể gây mù lòa (26/12/2020)

VOV1 - Ở vùng nông thôn, chấn thương mắt do quá trình lao động, làm nông khá phổ biến bởi bà con thường chủ quan không sử dụng các thiết bị bảo hộ để bảo vệ đôi mắt của mình. Đặc biệt, trong những vụ gặt, hạt thóc có thể bắn vào mắt khi tuốt lúa, lá lúa quệt hoặc bụi do thu hoạch trái cây... dẫn đến tổn thương giác mạc, từ đó gây viêm loét giác mạc. Đây là một bệnh nặng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng thủng giác mạc, viêm nội nhãn và có thể phải bỏ nhãn cầu dẫn đến mù lòa.

 

Cách đây hơn 1 tuần, bà Lưu Thị Hà ở xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đến bệnh viện Mắt Trung ương để chữa trị mắt trái của mình bị viêm nhiễm nặng, do cách đây hơn một tháng trong quá trình thu hái nhựa thông bà Hà đã bị nhựa thông bắn vào mắt. Mắt bị đỏ tấy, sưng rát, nhưng bà Hà nghĩ chẳng quá nghiêm trọng nên tự đi mua thuốc về tra, đến khi chẳng còn nhìn thấy gì mới đi bệnh viện Nghệ An và được chuyển tuyến ra Hà Nội. Sau khi thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán mắt bà Hà đã bị tổn thương nặng và phải mổ để ghép giác mạc, nếu thành công mới tìm lại được ánh sáng. “Tôi đi làm thì cũng không có bảo hộ gì, chỉ đội nón tránh mưa, nắng thôi. Khi bị thì cũng thấy rát, ra mua thuốc tra mãi không được thì mới vào bệnh viện Nghệ An, bác sỹ khám thì bảo đã bị nấm và viêm nặng nên chuyển tuyến ra Hà Nội luôn, ở đây bác sỹ bảo phải mổ để ghép giác mạc, còn giác mạc của mình đã hỏng rồi”.

PGS.TS. Bác sỹ Lê Xuân Cung tư vấn, khám mắt cho bệnh nhân

 

Cũng giống như bà Hà, trong quá trình làm nông, bà Nguyễn Thị Bích ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam đã bị hạt thóc bắn vào mắt. Sau nhiều tuần chữa trị ở tuyến cơ sở không có dấu hiệu thuyên giảm, bà Bích đã được giới thiệu chuyển tuyến nhưng đã quá muộn, giác mạc của bà Bích đã hỏng hoàn toàn và được tiến hành phẫu thuật thay giác mạc. Sau gần một tuần mổ thay giác mạc, mắt bà Bích đã bắt đầu nhìn thấy trở lại. Bà Bích phấn khởi: “Tôi đi làm không may trong lúc tuốt lúa hạt thóc nó bắn vào mắt, cũng nhờ bác sỹ tiêm rồi mua thuốc tra nhưng không khỏi mới đi nằm viện ở Phủ Lý, nhưng cũng không được. Khi lên đây thì bác sỹ bảo phải mổ, bây giờ thì bắt đầu nhìn thấy trở lại rồi, tôi vui và cảm ơn bắc sỹ lắm. Trước đây không nhìn thấy gì, tôi rất hoang mang, chỉ sợ bị mù”.

Không nên chủ quan với tai nạn về mắt do lao động, làm nông

 

67 tuổi nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ông Lê Văn Trung ở xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vẫn phải đi làm thợ xây để kiếm đồng ra đồng vào. Trong một lần khoan bê thông, ông Trung đã bị sạn bê tông bay vào mắt. Với việc không tuân thủ phác đồ điều trị và chỉ dẫn của bác sỹ, ông Trung suýt tí nữa đã bị hỏng con mắt của mình. Sau gần 2 tuần điều trị ở bệnh viện Mắt Trung ương, mắt ông Trung đang dần hồi phục và dần lấy lại thị lực: “Bác sỹ cho thuốc 10 ngày, dặn là uống hết 5 ngày sẽ phải đi kiểm tra lại, nhưng tôi lại thấy ổn nên không đi kiểm tra. Đến khi quá hơn 10 ngày thì mắt tôi đã không nhìn thấy gì vậy là phải lên đây nằm gần 2 tuần rồi. Bây giờ thì cũng tạm ổn, đây cũng là bài học cho mình khi không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ và chủ quan không bảo hộ mình trong quá trình lao động”.

Mô mắt thay giác mạc do tai nạn lao động, làm nông

 

Theo PGS.TS. Bác sỹ Lê Xuân Cung, Trưởng khoa giác mạc, Bệnh viện Mắt trung ương, tai nạn về mắt trong quá trình lao động, sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn diễn ra phổ biến do người dân vẫn chưa có ý thức tự bảo vệ đôi mắt của mình. Hiện nay, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 300 ca gặp những chấn thương về mắt do quá trình lao động, sản xuất nông nghiệp gây nên. Tuy nhiên, có một thực tế khi xảy ra những tai nạn về mắt, bà con vẫn có tâm lý chủ quan, không đi khám ngay mà thường tự mua thuốc về xử lý, đến khi bệnh nặng mới đến các chuyên khoa mắt để khám, chữa trị. Chính vì điều này, đôi khi đã xảy ra nhiều điều đáng tiếc, bệnh nhân không thể giữ lại được con mắt của mình, phải múc bỏ và mù vĩnh viễn. PGS.TS. Bác sỹ Lê Xuân Cung khuyến cáo: “Tôi làm ở Viện đã nhiều năm và tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân, và có những bệnh nhân chỉ sơ xẩy một chút do chủ quan mà phải bỏ cả con mắt của mình. Vì vậy, tôi khuyến cáo bà con trong quá trình lao động, sản xuất nên đeo kính bảo hộ, bên cạnh đó nếu có tai nạn về mắt xảy ra thì ngay lập tức cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc. Tôi mong muốn là làm sao đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông để bà con hiểu được và tự bảo vệ mình trong quá trình lao động, sản xuất”.

Cùng với lao động, sản xuất việc người dân tự nâng cao ý thức sử dụng các biện pháp bảo hộ để bảo vệ tính mạng, đôi mắt là hết sức cần thiết, điều này không chỉ tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra đối với bản thân, mà còn giảm những gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu biết tự bảo vệ mình./.

 

 

 

 

 

Tác giả : Phạm An/vov1

Tải file

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

5h00-5h10 Rao sóng
5h20-5h50 Mùa vàng
5h50-5h55 Quảng cáo
6h28-6h30 Quảng cáo
10h25-10h30 Quảng cáo
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
13h20-13h25 Quảng cáo
15h15-15h20 Quảng cáo
15h55-16h00 Quảng cáo
16h00-17h00 Theo dòng TS
17h50-17h59 Quảng cáo
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h05-19h10 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
22h00-23h00 Thức cùng VOV
23h10-23h15 Rao sóng
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: