Phát biểu khai mạc Carnaval Áo dài, lãnh đạo Hội LHPN thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tà áo dài Việt vẫn còn mãi với thời gian. Hình ảnh những người phụ nữ Thủ đô trong tà áo dài, cầm cờ hoa cùng nhân dân Hà Nội hân hoan đón mừng đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô vào mùa thu tháng mười 70 năm về trước để lại những dấu ấn không phai mờ về khát vọng hòa bình, tinh thần, ý chí của Hà Nội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa ngày càng mạnh mẽ, Áo dài là một phần không thể thiếu trong hành trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, phụ nữ Việt Nam. Hội LHPN thành phố Hà Nội tổ chức Carnaval Áo dài với mong muốn lan tỏa tình yêu Hà Nội, yêu Áo dài, mong muốn sớm đưa Áo dài trở thành Di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời quảng bá về vẻ đẹp Hà Nội, văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội, kết nối du lịch Hà Nội.
Trong hương sắc nồng nàn của mùa thu Hà Nội, đông đảo các gia đình nhiều thế hệ, cán bộ, công chức, viên chức, các nghệ sỹ, học sinh, sinh viên và một số bạn bè quốc tế có mặt tại không gian linh thiêng- Di tích quốc gia đặc biệt- Di sản văn hóa thế giới- Trung tâm Hoàng thành Thăng Long để tham gia Carnaval Áo dài.
Tại Carnaval áo dài, hơn 1.000 phụ nữ Thủ đô đã cùng nhau đồng diễn dân vũ với Áo dài trên nền các ca khúc “Người Hà Nội - Tiến về Hà Nội - Hà Nội những công trình”, tiếp đó là màn diễu hành áo dài của hơn 1000 đại biểu từ Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long hướng về Quảng trường Ba Đình, qua các tuyến phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng Thủ đô hòa bình, văn hiến, văn minh, hiện đại. Hào hứng tham gia chương trình, chị Nguyễn Thị Thúy ở quận Long Biên chia sẻ: “Ngày hôm nay mình rất vui bởi vì mình được tham dự lễ hội áo dài, rất nhiều các chị em phụ nữ với những tà áo dài màu sắc rực rỡ khác nhau để tham dự. Khi mình tạo này thì tôi cảm thấy rất tự hào và cảm thấy mình cũng đẹp lên rất nhiều, làm cho mình cảm thấy rất tự tin, tôn được những vẻ đẹp của người phụ nữ”
Còn chị Nguyễn Trâm Hạnh, ở quận Đống Đa Hôm nay chọn mặc bộ áo dài ngũ thân truyền thống, chị cảm thấy rất vinh dự khi được khoác lên mình bộ áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam. Áo dài rất đẹp, nhưng những bộ áo dài bình thường đã được mặc trong nhiều dịp để mặc rồi, nên trong buổi lễ hội như hôm nay chị muốn mặc một bộ áo dày đặc biệt hơn đó là bộ áo dài ngũ thân truyền thống, vì khi mặc vào cảm giác yêu lịch sử dân tộc mình hơn mình yêu dân tộc hơn.
Chị Nguyễn Trâm Hạnh, ở quận Đống Đa và bạn bè cùng mặc trang phục áo dài tham gia Canival áo dài 2024
Không chỉ có các chị em, mà nhiều nam giới cũng mặc lên mình trang phục áo dài nam truyền thống tham gia Carnaval áo dài. Anh Nguyễn Trọng Việt, ở quận Ba Đình cho biết: Tham dự lễ hội áo dài, đây là dịp để thể hiện được tiếp nối truyền thống dân tộc. Thứ hai là thể hiện tinh thần yêu trang phục truyền thống, đặc biệt là, tà áo dài thân của nam giới, từ rất lâu rồi mà nhiều người nam giới không có dịp để lại những trang phục truyền thống của cha ông mình. Tôi tự hào khi được tham gia và kết nối truyền thống của áo dài Việt Nam. Nhân cơ hội này thì tôi cũng mong muốn là sẽ có nhiều dịp khác không phải chỉ trong lễ hội áo dài Việt Nam sẽ đi vào cuộc sống hằng ngày hơn.
Tại chương trình, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã trao giải cuộc thi thử thách “Check in Hà Nội với Áo dài” tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Thủ đô./.