Đều đặn mỗi tháng, cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh đến thăm mẹ Hứa Thị Phấn ở xóm Cô Mười, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh. Mẹ Phấn có con trai cả Dương Văn Rin hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới quê hương năm 1979. Ở tuổi 92, sức khỏe yếu, kinh tế của các con cũng khó khăn nên mẹ Phấn được đồn Biên phòng nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Mỗi lần tới thăm mẹ Phấn, các chiến sĩ đều mang theo túi gạo, chút thức ăn, khi thì vài thùng sữa, bộ quần áo mới. Những ngày sắp có mưa bão, anh em cũng tới để sửa cho Mẹ mái nhà, chữa lại đường điện bị hỏng. Quân y đồn cũng định kỳ mỗi tháng đến để thăm khám và hướng dẫn Mẹ cách uống thuốc, tự theo dõi sức khỏe bản thân. Mẹ Phấn không biết nói tiếng phổ thông nên anh em mỗi khi đến thăm cũng phải dùng tiếng Tày để nói chuyện. Mỗi lần được các con đến thăm, căn nhà nhỏ đơn sơ cũng trở nên ấp áp hơn với Mẹ. Mẹ Hứa Thị Phấn xúc động: “Mẹ ở một mình cũng buồn nên các con đến thăm, tặng quà mẹ mừng lắm. Giúp đỡ như thế này, mẹ cám ơn rất nhiều, các con ở xa đến đây công tác, ở quê cũng có người già, có con nhỏ có khi còn chưa có điều kiện mang quà về cho, lại còn mang cho mẹ thế này, mẹ xúc động lắm, chỉ biết nói lời cám ơn đến các con, các cháu thôi”.
Hưởng ứng phong trào "Bộ đội Biên phòng Cao Bằng với công tác đền ơn đáp nghĩa nơi biên giới", hiện các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã nhận phụng dưỡng, đỡ đầu gần 60 thân nhân liệt sĩ, người có công đang sinh sống tại địa bàn các xã, thị trấn biên giới. Việc nhận phụng dưỡng, chăm sóc các mẹ không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa tình của những người lính với thế hệ đi trước và đồng bào nơi biên cương còn nhiều gian khó. Thiếu tá Dương Văn Giang, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh nói: “Chúng tôi giao nhiệm vụ cho các cán bộ đội Vận động quần chúng phải bám sát tình hình các mẹ, vì các mẹ tuổi cao rồi, kịp thời phát hiện các vấn đề nảy sinh đến sức khỏe, tâm tư các mẹ để hỗ trợ kịp thời. Chúng tôi xác định rõ, chăm lo cho các đối tượng chính sách trên địa bàn là tình cảm của cán bộ chiến sỹ đồng thời cũng là trách nhiệm với đồng bào nơi biên giới”.
Tỉnh Cao Bằng hiện có gần 49.000 đối tượng người có công, trong đó nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là khó khăn về nhà ở. 10 năm qua, tỉnh Cao Bằng đã huy động nhiều nguồn lực thực hiện hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa gần 10.000 ngôi nhà cho đối tượng chính sách. Từ năm 2021 đến nay, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng đã huy động nguồn lực, xây mới hơn 6.000 nhà, đảm bảo tất cả các hộ chính sách được ở trong những ngôi nhà vững chắc, không còn cảnh mưa dột, gió lùa.
Thượng úy Phạm Xuân Trường, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, hoạt động tri ân các gia đình chính sách, người có công như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ công lao động… là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt của tuổi trẻ công an Cao Bằng: “Trong thời gian tới, tuổi trẻ Công an Cao Bằng sẽ tiếp tục tổ chức, phối hợp tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh hướng tới các đối tượng chính sách với các phần việc thiết thực, ý nghĩa. Chúng tôi cũng xác định hoạt động không chỉ là lời tri ân đến người có công cách mạng, hy sinh vì tổ quốc mà còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục và bồi dưỡng nhận thức cho đoàn viên, thanh niên”. Với tinh thần đền ơn, đáp nghĩa, việc chăm lo cho gia đình chính sách, đặc biệt là các hộ chính sách neo đơn cũng là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân các thôn bản. Bà Nông Thị Trường, Bí thư Đảng ủy thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh cho biết: Hàng ngàn lượt ngày công giúp làm đất, hỗ trợ thu hoạch ngô, lúa hay hỗ trợ làm nhà cho gia đình chính sách… đã được các hội viên cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên ủng hộ. “Các đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên…chăm sóc, hỗ trợ các gia đình chính sách neo đơn bằng những ngày công lao động cụ thể. Thực hiện đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát thì Đảng ủy, chính quyền thị trấn cũng yêu cầu ưu tiên cho các gia đình chính sách, người có công để giúp họ ổn định cuộc sống”.
Ông Hoàng Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Cao Bằng cho biết thêm: “Ngoài chế độ chính sách chung ra, luôn có chung tay của cộng đồng, từ các lực lượng vũ trang, các cấp các ngành, người dân với các đối tượng chính sách, đặc biệt là Mẹ VNAH, mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ neo đơn, không nơi nương tựa trên tinh thần không để ai thuộc gia đình chính sách bị bỏ lại phía sau. Dù có thể chưa được nhiều nhưng xét về điều kiện cuộc sống, nhà ở, điều kiện khác của các đối tượng chính sách đã cơ bản ít nhất là ngang bằng với các thành viên cùng sống trong cộng đồng”.
Sự quan tâm, chia sẻ thường xuyên của cộng đồng đối với người có công, thân nhân gia đình chính sách chính là những món quà ý nghĩa, là điểm tự vững chắc cho các gia đình vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời lan tỏa đạo lý "uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa" trên mảnh đất biên cương còn nhiều gian khó./.