Khu dân cư tự phát lộ rõ hạn chế
Những ngày qua, sau những cơn mưa lớn, nhiều khu dân cư tự phát trên địa bàn tỉnh Bình Dương lại chìm trong biển nước và rác thải. Nguyên nhân chính là do hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực này, đặc biệt là hệ thống thoát nước còn thiếu quy củ, dẫn đến tình trạng "cứ mưa là ngập".
Khu dân cư tự phát ở tổ 65B, khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An cứ mưa là ngập sâu, rút chậm (ảnh: Thiên Lý)
Đây chỉ là một trong những hạn chế của khu dân cư tự phát. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân mà còn làm xấu đi diện mạo đô thị.
Trước thực tế này, nhiều người dân bày tỏ mong muốn được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ chỉnh trang, nâng cấp, cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước để yên tâm lạc nghiệp.
Ông Hoàng Tuyến Quýnh, người dân ở tổ 65B, khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An sống ở đây từ năm 2014 cho biết: Trước đây, khu này dân cư thưa thớt nên khi mưa xuống, nước có ngập nhưng rút nhanh. Giờ đây, nhà cửa san sát nhau, nước mưa không có chỗ thoát nên phải sống trong cảnh bì bõm mỗi khi mưa xuống: "Mỗi lần ngập là ngập cả tuần, nước rất dơ, dồn từ các nơi xuống đây gây ảnh hưởng, bệnh tật. Nửa xóm này làm cũng không được vì đường là của chung, do đó phải đồng loạt làm thì mới sạch sẻ. Do đó, người dân mong chính quyền các cấp cùng nhân dân làm con đường này để sạch để người lớn, trẻ em được sống trong môi trường sạch sẽ")
Sự tồn tại của 23 khu nhà ở tự phát tại phường Tân Vĩnh Hiệp, TP. Tân Uyên, với tổng diện tích hơn 116 ha và 1.321 hộ dân sinh sống đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, dịch bệnh.
Nhận thức được tính cấp bách của vấn đề, lãnh đạo phường Tân Vĩnh Hiệp đã chủ động rà soát, báo cáo lãnh đạo TP. Tân Uyên đề xuất các chính sách hỗ trợ cho công tác chỉnh trang đô thị tại địa phương.
Một khu dân cư ở TP. Thuận An, giờ đây nhà cửa san sát (ảnh: Thiên Lý)
Ngoài ra, phường cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát để ngăn chặn sự hình thành của các khu nhà ở tự phát mới. Ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch UBND phường Tân Vĩnh Hiệp cho biết: “Để đảm bảo công tác chỉnh trang đô thị, địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân trong các khu tự phát không được xây dựng, cơ nới, đặc biệt không được thay đổi hiện trạng. Tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm ngay từ đầu. Hằng năm, phường tháo dỡ từ 25 trường hợp trở lên. Mục tiêu là trong khi chờ tỉnh có chủ trương chỉnh trang, địa phương sẽ có giải pháp đảm bảo giữ nguyên hiện trạng”.
Lựa chọn chỉnh trang điểm để rút kinh nghiệm
Theo ghi nhận sơ bộ, Bình Dương có hàng trăm khu nhà ở tự phát, trong đó nhiều nhất là TP. Dĩ An với 362 khu, Tân Uyên có gần 100...
Đa số những khu dân cư tự phát trên địa bàn tỉnh là những khu phân lô có từ trước năm 2014, diện tích mỗi khu phân lô tự phát rộng từ 3 đến 6 ha. Đến nay hầu hết các khu phân lô đã được xây dựng nhà và nhiều hộ dân đang sinh sống ổn định. Điểm đáng chú ý là các khu dân cư tự phát được xây dựng trên đất nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước, thoát nước, đường giao thông, chiếu sáng không có hoặc có nhưng không đảm bảo quy định.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đi khảo sát các khu nhà ở tự phát để có hướng chỉnh trang (ảnh: Thiên Lý)
Hiện nay việc chỉnh trang, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang gặp phải nhiều khó khăn, đó là quy hoạch sử dụng đất không phù hợp; nguồn vốn để chỉnh trang là rất lớn. Việc mở rộng đường gặp phải nhiều khó khăn, do diện tích đất đa phần từ 60m2 trở xuống, khi thu hồi đất làm đường người dân sẽ phải phá dỡ công trình.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, việc các khu dân cư tự phát chưa được chỉnh trang cũng khiến cho bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác. Tuy nhiên, địa phương không thể thực hiện vì sai luật. Do đó, trước khi có nghị quyết của Tỉnh ủy, địa phương cũng đang chủ động rà soát lại, phần nào chỉnh trang được sẽ làm trước. "Thành ủy Thuận An có chương trình văn minh đô thị, tức là các xã, phường phải thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tức là trong khả năng sẽ khắc phục những hạn chế, những cái nào ngoài tầm thì phường báo về cho TP. Ở góc độ TP thì đang chờ nghị quyết cho phép thực hiện theo hiện trạng trước khi Luật Đất đai năm 2014 có hiệu lực".
Từ thực tế này, Tỉnh ủy Bình Dương đang xây dựng Nghị quyết về chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu các khu dân cư trong đô thị và nông thôn đến năm 2030. Mục tiêu của Nghị quyết là tháo gỡ các vướng mắc để đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho các khu dân cư tự phát hình thành trước năm 2014 có quy hoạch sử dụng đất nhưng không đủ điều kiện cải tạo, chỉnh trang.
Các khu dân cư tự phát chủ yếu xây dựng trên đất nông nghiệp nên gây khó khăn cho công tác chỉnh trang, cấp sổ đất (ảnh: Thiên Lý)
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, việc chỉnh trang đô thị, nhất là các khu phân lô tự phát có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, để Bình Dương thực sự là nơi đáng sống.
Ông Thao, yêu cầu, các ngành, các sở nhanh chóng tham mưu, hoàn thiện nghị quyết để áp dụng thực tế. Về nguồn vốn đầu tư, tỉnh sẽ thực hiện theo quan điểm Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động sự tham gia của người dân và doanh nghiệp:“Mỗi thành phố, huyện, thị xã, phải thực hiện điểm cải tạo, chỉnh trang, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng. Mô hình điểm để rút kinh nghiệm, xây dựng xong để xây dựng mô hình lan tỏa cho các khu dân cư khác. Ở đây phải tính đến nguồn lực của người dân, doanh nghiệp là cơ bản, trong đó người dân quyết định việc sạch, dơ, ý thức trách nhiệm, mỹ quan để có cuộc sống tốt đẹp".
Việc chỉnh trang khu dân cư tự phát là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và góp phần xây dựng Bình Dương trở thành một đô thị văn minh, hiện đại./.