VOV1 - Mới đây, Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định thỏa thuận về việc Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1 đồng ý bồi thường oan sai cho gia đình bà Nguyễn Thị May (85 tuổi, ở thành phố Cao Bằng) số tiền 5 tỉ đồng. Đây là một trong số nhiều vụ việc người dân được bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.
Chế định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước từ khi được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, bảo đảm và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Qua hơn 10 năm, hệ thống pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã cơ bản hoàn thiện, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền được Nhà nước bồi thường do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.
Cụ thể quyền con người, quyền công dân đã được bảo đảm như thế nào trong chế định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thực tiễn triển khai? Trước yêu cầu bảo đảm, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong quá trình xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trước những thay đổi của tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển của hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính…các quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước cần hoàn thiện theo hướng như thế nào? Đây là chủ đề chúng tôi bàn luận trong chương trình đối thoại hôm nay với sự tham gia của hai vị khách mời. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu: Ông Lê Thái Phương – Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp; Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng luật sư NH Quang và cộng sự, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.