logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

''ĐƯỢC - MẤT... Ở BẾN BÈO''

Quần đảo Cát Bà (Hải Phòng) được ví như “chị em song sinh” với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - nơi có những dãy núi đá vôi nổi tiếng xinh đẹp, được công nhận là Di sản thiên nhiên Thế giới. Hai thắng cảnh này chỉ cách nhau một giờ tàu thủy chạy… nhưng “cô chị” Hạ Long đã trở thành cô gái đẹp được cả thế giới biết đến - từ năm 1994, còn cô em Cát Bà vẫn là “người đẹp ngủ trong rừng”. Làm gì để Cát Bà “trở mình” – sóng đôi cùng cô chị Hạ Long, trở thành “Di sản thiên nhiên thế giới Cát Bà – Hạ Long” vào tháng 9/2023 - như khuyến nghị của UNESCO? Biển đẹp, núi nguyên sơ ... - “hòn ngọc Vịnh Bắc Bộ” vẫn còn những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để có thể trở thành di sản toàn cầu. Đó chính là băn khoăn “Được - Mất” của người dân nơi đây, trong tiến trình “xanh hóa ngược” quần đảo này. “Được – Mất ở Bến Bèo” cũng là tựa đề Thanh âm ký sự ngày 25/6/2023, với câu chuyện về hành trình không hề dễ dàng để thay đổi nhận thức – để Bến Bèo, Vịnh Lan Hạ và các đảo nổi tiếng thuộc quần đảo Cát Bà sớm trở thành Di sản “xanh”. Chương trình do Thu Trang, Thanh Nga thực hiện. Thể hiện lời bình: Nguyễn Vũ Duy.

Đất lành! (28/05/2023)

Với người dân Việt Nam, hình ảnh cánh cò chao liệng kiếm ăn trên những cánh đồng đã quá quen thuộc. Trong các loài chim, cò là loài đi vào đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam sâu đậm nhất. Cánh cò có trong câu ca dao, lời hát ru, theo cả vào giấc ngủ của trẻ thơ. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của đất nước, khi làn sóng đô thị hóa, công nghiệp hóa lan rộng, môi trường nông thôn thay đổi, những cánh cò, cánh vạc đã ...thưa dần.
Chương trình “Thanh âm ký sự” hôm nay mời quý vị về với một vùng quê. Nơi này, một bà lão 82 tuổi đã dành gần hết cuộc đời mình - trồng rừng, giữ rừng để che chở cho những cánh cò bay mỏi... trở về. Tình yêu thiên nhiên, môi trường, thương mến động vật hoang dã của bà được khắc họa trong ký sự “Đất lành”.

Phía trước, con không một mình (26/03/2023)

Đại dịch Covid đã cướp đi gia đình của hàng nghìn đứa trẻ, nhưng các em không đơn độc! Vòng tay ấm áp của nhiều tấm lòng sẻ chia trong xã hội, đã mang đến cho các em mồ côi vì đại dịch covid 19… “nơi, chốn đi về”. Và ngôi trường mang tên Hy Vọng - thành lập bởi Tập đoàn FPT và Quỹ Hy Vọng đang giúp đỡ hàng trăm trẻ mồ côi lấp đầy những khoảng trống tình cảm, chắp cánh cho các em mồ côi vì đại dịch covid 19 đi tới ước mơ. Chúng ta cùng cảm nhận điều này qua ký sự - “Phía trước, con không một mình”.

Mây hồng soi bóng Ka Long (26/2/2023)

Một tấm ảnh đen trắng đã ố màu thời gian với dòng chữ: “Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978” - Tấm ảnh đó tưởng bình thường như bao tấm ảnh khác, nhưng chỉ chưa đầy hai tháng sau, hầu hết họ đã hi sinh trong một sáng mùa Xuân mây trắng 1979. “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử”… Pò Hèn như một ngôi sao màu đỏ, rực sáng trên dải biên cương phía Đông Bắc của Tổ quốc. Tháng Hai này- Pò Hèn rực rỡ với những bông đào rừng bung nở, khoe sắc dọc miền biên viễn. Dưới bầu trời vùng biên ải là màu xanh mát của bình yên, là cuộc sống hiền hòa, êm đềm của người dân nơi đây. Nhưng trong ký ức – ký ức của biết bao người, dọc dài biên cương vẫn còn in đậm tên đất, tên người trong cuộc chiến bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc. Trong chương trình “Thanh âm ký sự” hôm nay, chúng ta cùng cựu binh Pò Hèn năm xưa sống lại ký ức của những ngày Tháng Hai bất khuất, qua ký sự: Mây hồng soi bóng Ka Long.

"SÀI GÒN LẠ THIỆT !"

Nhiều người biết đến địa danh Sài Gòn với diện tích chỉ trong vòng bán kính một cây số rưỡi - tính từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng với đại đa số, lấy lòng người Việt Nam-lòng người Việt Nam xa xứ để đo tình yêu người con đất Việt với “Hòn ngọc Viễn Đông”, thì Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh... là một. Có 22 quận-huyện-thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn đang có gần 14 triệu dân sinh sống, học tập và làm việc. Trải qua nhiều biến cố thăng-trầm, người Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn bao năm vẫn thế - sống nhịp sống sôi động nhất nước, tạo dựng và hun đúc ngày càng đậm nét hơn: phong thái phóng khoáng, hào sảng ...đậm chất Nam bộ, mà vẫn phảng phất nét rất riêng - Sài Gòn. Trong chương trình Thanh âm ký sự này, mời quý vị và các bạn tới Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh để hiểu thêm về vùng đất này, với những tính cách “dễ thương’. Ký sự “SÀI GÒN LẠ THIỆT !” Ký sự do Thu Trang, Hương Giang thực hiện Thể hiện lời bình: Nguyễn Vũ Duy

Biến đổi khí hậu - Bản tối hậu thư 8 năm (27/11/2022)

Trái đất vào năm 2045 – đó là một vùng đất khắc nghiệt, nhân loại sống sót trong hầm ngầm. Con người phải chiến đấu với dịch bệnh, chiến đấu để sản xuất lương thực, bảo vệ sự sống....Bộ phim khoa học viễn tưởng “The Colony” của đạo diễn Jeff Renfroe đã tưởng tượng mọi thứ tồi tệ như thế và loài người sắp tuyệt chủng khi nhiệt độ Trái đất tăng cao. Hãy quay về với thực tại, một nửa nhân loại đang phải đối mặt với tình trạng băng tan, sông cạn và hàng tỷ người khác phải chống chọi với những đợt nắng nóng quá mức, khát khô và đói. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã công bố nghiên cứu báo động rằng: Nhiệt độ Trái Đất vào năm 2030 sẽ cao hơn giai đoạn tiền công nghiệp 1,5 độ C. Nhân loại đang “mộng du” gần hơn tới bờ vực của thảm họa. Nếu vượt qua ngưỡng giới hạn đỏ 1,5 độ C, nhân loại sẽ ra sao? 8 năm – Chỉ còn 8 năm, đó là “'tối hậu thư'” cho nhân loại.

Thanh âm từ lòng đất

Những “dòng suối than” hàng ngày vẫn chảy ngược từ lòng đất mỏ Quảng Ninh tới mọi miền Tổ quốc phục vụ sản xuất và đời sống. Để có hàng triệu tấn than mỗi năm ấy là công sức và mô hôi của hàng ngàn thợ mỏ miệt mài ngày đêm lao động dưới hầm lò ở độ sâu -200 đến 500 mét. Đối mặt với biết bao nhiêu rủi ro và nguy hiểm mỗi ngày! Thế nhưng, với tinh thần kỷ luật và đồng tâm, những cán bộ, công nhân ngành than đã vượt mọi khó khăn, gian khổ để khai thác “vàng đen” đem lại giá trị to lớn nhiều mặt cho đất nước. Các PV Đài TNVN đã theo chân những người thợ mỏ anh hùng xuống tận lò chợ để chứng kiến một ca làm việc của họ và ghi lại những âm thanh chân thực nhất ở độ sâu âm 220 mét so với mực nước biển. Những âm thanh đặc trưng, những thuật ngữ riêng biệt cùng những câu chuyện nghề, chuyện đời của những con người “Ăn cơm dương gian – làm việc âm phủ” - Tất cả sẽ có trong "Thanh âm từ lòng đất".

689 – Cao điểm của khát vọng Hòa bình (31/7/2022)

Mùa hè năm 1968, tại vùng đất lửa Quảng Trị đã diễn ra trận chiến đầy khốc liệt kéo dài từ 12/06 đến 08/07. Và cao điểm 689 trở thành tọa độ lửa, chứng kiến sự chiến đấu anh dũng của quân giải phóng, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh và giải phóng Hướng Hoá 1968. Hàng trăm chiến sỹ đang ở độ tuổi mười tám – đôi mươi đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Họ ngã xuống không phải để trở thành Anh Hùng mà để người khác được sống và để đất nước có hòa bình. Đó là khát vọng, là mong muốn của những tất cả những chiến sỹ đã ngã xuống cho Đất nước có ngày hôm nay. Cùng trong hành trình trở lại chiến trường xưa – cao điểm 689 của các cựu chiến binh Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246, Đoàn Tân Trào, Quân khu Việt Bắc (nay thuộc Sư đoàn 346 Quân khu I) trong chương trình Thanh âm Ký sự với chủ đề “ 689 – Cao điểm của khát vọng Hòa bình”.

Người đi về hướng núi (27/6/2022)

Dành phần lớn sản nghiệp và tìm mọi cách để giữ rừng - đó là một lựa chọn không dễ dàng với nhiều người. Ở “thành phố ngàn thông” – Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng, có một cựu sỹ quan đặc công - năm nay 80 tuổi - đã tự chọn lối đi khó và không giống ai cho cuộc đời mình. Hành trình đi về hướng núi đó đầy rẫy những chông gai và thử thách. Sự kiên cường, vững vàng và không bao giờ từ bỏ của “kỳ nhân trên xứ sương mù” – Nguyễn Đức Phúc đã giúp những mầm xanh ở rừng thẳm ngày qua ngày vươn mình xanh tốt. Ký sự “Người đi về hướng núi” do phóng viên Ban Thời sự (VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam) thực hiện vào tháng 5/2022 – Thời điểm mà nhiều vụ phá rừng táo bạo vẫn xảy ra ở nhiều địa phương và trên thế giới. Liên hợp quốc đang kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để đảm bảo mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có nhiệm vụ giữ rừng.

Sông Đà - dòng sông ánh sáng (29/05/2022)

“ Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông...” - Nhà văn Nguyễn Tuân đã cảm tác như vậy khi ngược dòng Sông Đà vào năm 1958.
Đà Giang - con Sông với “trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh” uốn lượn qua miền rừng núi Tây Bắc, dữ dằn và hung tợn như thế. Nhưng dòng sông ấy đã kể cho chúng tôi nghe biết bao câu chuyện “xẻ núi, ngăn sông”, vượt quá giới hạn của cả con người và máy móc, để xây lên những công trình thủy điện “kỳ tích của thế kỷ 20”, mang ánh điện đến mọi miền của Tổ quốc- hiện thực hóa Khát vọng: Vì một Việt Nam cất cánh.

Vượt qua cơn binh lửa (27/03/2022)

Chiến tranh cũng đồng nghĩa với loạn lạc, ly tán, khổ đau và sự chết chóc. Hàng triệu người dân Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa – nơi mà họ đã và đang có cuộc sống bình yên để đi lánh nạn. Cũng như hơn 1 triệu người Ukraine đã phải sơ tán sang các nước, nhiều người Việt đang sống ở quốc gia này cũng đã nếm trải bao khó khăn, gian khổ trong hành trình tìm đến nơi an toàn.

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn...! (27/2/2022)

Trên thế giới có những công trình kiến trúc văn hóa, những tác phẩm văn học nghệ thuật vượt qua thời gian và không gian, trở thành kiệt tác bất tử. Cùng với Iliat & Ôđixê (của Hôme), HămLét (của Sexpia), Đôn Kihôtê (của Xenvantec)… , Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được nhân loại đánh giá là kỳ quan của thế giới. Với giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, biểu trưng cho tinh thần thời đại, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, tiêu biểu cho tình cảm, ước vọng của nhân dân, Truyện Kiều của Nguyễn Du được nhân dân tiếp nhận, bồi đắp sáng tạo và xây nên một hệ Văn hóa Kiều đặc sắc, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt. Để đến nay, Truyện Kiều và Nguyễn Du đã trở thành sứ giả văn hóa của người Việt. Và hơn thế, như một đức tin: TRUYỆN KIỀU CÒN, TIẾNG TA CÒN…!

Từ nhà Xéc Tây – Hà Nội đến lâu đài Fontainebleau: Cơ hội cho một nền hòa bình bị bỏ lỡ (26/12/2021)

Điều gì dẫn tới việc Chủ tịch Hồ Chí Minh phải ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày 19/12/1946 chỉ sau hơn 1 năm đất nước giành độc lập? Từ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 tới Hội nghị Đà Lạt - cuối cùng là Hội nghị Fontainebleau - Chính phủ VN - đại diện là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực cứu vãn hoà bình như thế nào? Khát vọng và mong muốn một nền hòa bình từ phía VN đã luôn luôn bị Pháp từ chối. Và sau 3.000 ngày, với thất bại tất yếu của bên gây chiến, Xanh-tơ-ni, Ủy viên Cộng Hòa Pháp, người đại diện cho Chính phủ Pháp ký Hiệp định 6/3/1946, trong hồi ký đã tỏ rõ sự tiếc nuối : “Khi để lại phía sau lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ”. Nền hoà bình ấy đã bị bỏ lỡ như thế nào? Các nhà nghiên cứu lịch sử sẽ lật giở lại những trang sử năm 1946 qua Chương trình Thanh âm ký sự với chủ đề: TỪ NHÀ XÉC TÂY – HÀ NỘI ĐẾN LÂU ĐÀI FONTAINEBLEAU: CƠ HỘI CHO MỘT NỀN HÒA BÌNH BỊ BỎ LỠ.

Chữ quốc ngữ - Hành trình khai dân trí (28/11/2021)

Cứ liệu lịch sử và khoa học cho thấy, công đầu và công lớn trong sáng tạo ra chữ quốc ngữ thuộc về các nhà truyền giáo phương Tây vào đầu thế kỷ 17. Từ một loại chữ nghĩ ra để phục vụ truyền đạo, giảng đạo, chữ quốc ngữ đã vượt ra khỏi phạm vi các nhà thờ và phổ biến mạnh mẽ trong các trường học, báo chí, văn đàn từ giữa thế kỷ 19. Đánh dấu cho giai đoạn này là sự ra đời của hệ thống các trường thông ngôn do thực dân Pháp mở, bắt đầu từ Nam Kỳ và sau đó mở rộng ra Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Với sự tiện lợi và tiến bộ, chữ quốc ngữ dần dần thay thế chữ Hán, chữ Nôm. Cho đến trước Cách mạng Tháng 8, tỷ lệ người Việt biết chữ quốc ngữ tăng nhanh chóng. Chữ quốc ngữ đã được chính thức công nhận là chữ viết của Việt Nam bằng sắc lệnh 20 của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cho đến nay, chữ Quốc ngữ trở thành biểu hiện của bản sắc văn hóa mà ai cũng có thể sở hữu và tự hào. Số thứ 2 của loạt ký sự nhan đề “ Chữ quốc ngữ - Hành trình khai dân trí” tiếp tục làm rõ vai trò quan trọng của chữ quốc ngữ trong sứ mệnh khai dân trí.

Chữ Quốc ngữ - Hồn trong nước: Ký sự đầu tiên: "Chữ Quốc ngữ - Cơ duyên của lịch sử”(31/10/2021)

Hơn 400 năm trước, chữ Quốc ngữ đã được phôi thai, ghi lại toàn bộ tiếng nói và suy nghĩ của người dân Việt Nam. Chữ Quốc ngữ ra đời được coi là phương tiện hiện đại và hữu hiệu nhất để “khai dân trí, chấn dân khí”. Do gắn liền với tiếng nói nên chữ Quốc ngữ có sức sống mãnh liệt và luôn phát triển cùng tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ chính là hồn trong Nước, khẳng định bản lĩnh và sức mạnh dân tộc Việt Nam. Bởi ở đó, một dân tộc với hồn cốt mạnh sẽ có thể hiên ngang sánh vai cùng các dân tộc tiên tiến trên thế giới. Ban Thời sự - Đài TNVN thực hiện loạt Ký sự phát thanh đặc biệt với chủ đề: CHỮ QUỐC NGỮ - HỒN TRONG NƯỚC. Chương trình giúp quý vị thính giả có góc nhìn bao quát về quá trình phôi thai, hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ.
Trong Ký sự đầu tiên với nhan đề: “Chữ Quốc ngữ - Cơ duyên của lịch sử”, chúng ta cùng nhau ngược về quá khứ, trở lại những vùng đất lịch sử - nơi phôi thai của Chữ Quốc ngữ từ thế kỷ 17.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h20-05h50 Mùa vàng
06h28-06h30 Quảng cáo
10h55-11h00 Quảng cáo
11h05-11h50 Khởi nghiệp
11h50-11h59 Quảng cáo
12h57-13h00 Quảng cáo
14h50-15h00 Câu chuyện QT
15h00-15h15 Bản tin TS
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 Alo VOV1
16h00-17h00 Theo dòng TS
18h57-19h00 Quảng cáo
19h00-19h05 Bản tin TS
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
00h00-04h45 Nhập hệ VOV3
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: