Ngày phát hành 9:39 | 31/8/2022
Mỗi tôn giáo đều có những hạt nhân triết học hợp lý, có giá trị nhân văn sâu sắc, như đức "từ bi" của Phật giáo, lòng "nhân nghĩa" của đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo, tư tưởng "bác ái" của đạo Kitô, truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Đó chính là chân giá trị mà nhân loại cũng như dân tộc ta luôn hướng tới. Đại đa số đồng bào có tôn giáo ở nước ta đều có tinh thần yêu nước, đồng hành cùng dân tộc trong quá trình chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước, tham gia vào gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc, lòng yêu nước, thương yêu con người. Việc Đảng ta chỉ rõ đồng bào các tôn giáo là một bộ phận trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cũng có nghĩa là đã khẳng định đồng bào các tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước khi trở thành tín đồ của một tôn giáo, họ là công dân của nước Việt Nam, cùng chung lo vận mệnh của dân tộc. Vậy nhưng, tháng 6 và tháng 7 vừa qua, như thường lệ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Uỷ Ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ vẫn đưa ra Báo cáo về Tự do Tôn giáo quốc tế năm 2021, trong đó có những nội dung thiếu khách quan, thiếu kiểm chứng, không phù hợp với tình hình tôn giáo của Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đi ngược lại xu thế quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ.