Ngày phát hành 12:24 | 20/8/2023
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, doanh nghiệp nước ta tiếp tục gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố như thị trường, giá cả đầu vào tăng cao, khó tiếp cận tài chính... Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nguy cơ phá sản. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên sức chống đỡ trước những biến động bất lợi có phần hạn chế.
Hiện nay, doanh nghiệp nước ta đang phải đối diện với nhiều tình thế biến động bất lợi. Tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới gây ra những biến động phức tạp, khó lường trong việc kinh doanh, giao thương toàn cầu. Chuỗi cung ứng vì thế cũng gặp nhiều ảnh hưởng và đứt gãy, gây ra những xáo trộn, bị động cho nhiều doanh nghiệp. Dự báo tình hình trong nước và thế giới sẽ còn nhiều khó khăn trong năm nay và cả năm 2024. Vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này là yêu cầu cấp bách.
Trên thực tế, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhiều chương trình hỗ trợ chưa đạt kết quả như mong muốn. Vậy, giải pháp nào để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả trong thời gian tới? Đây cũng là chủ đề của Diễn đàn chủ nhật hôm nay.
Khách mời tham gia chương trình là Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Lê Duy Bình và ông Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội.