Ngày phát hành 9:26 | 17/6/2022
Tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân lao động hôm 12/6 vừa qua, Bộ trưởng Lao
động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ đã giao
Bộ chủ trì xây dựng dự luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với 11 nhóm chính
sách mới và năm 2023 sẽ trình Quốc hội xem xét. Một trong những sửa
đổi là giảm dần số năm đóng BHXH xuống 15 năm và tiến tới có thể 10
năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian
tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo
hiểm xã hội.
Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao
động. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít người cho rằng, việc
thay đổi chính sách theo hướng giảm năm đóng BHXH thay vì giảm tuổi
nghỉ hưu sẽ không đem lại nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt sau một
thời gian thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập, như
thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu, với
tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội….
Vậy cần có những thay đổi về chính sách như thế nào khi giảm số
năm đóng BHXH, nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động? Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng bàn luận câu chuyện này.