Ngày phát hành 15:13 | 17/4/2022
Theo Báo cáo sơ bộ Triển vọng kinh tế thế giới phát hành vào tháng 3/2022, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định, cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na đang là một cú sốc kinh tế nghiêm trọng đối với nhiều nước trên thế giới. Cuộc xung đột này cũng tạo ra một lực cản lớn đối với tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn với nhiều nước trên thế giới. Theo ước tính của OECD, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 có thể giảm hơn 1 điểm phần trăm, từ mức dự báo 4,5% đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Việt nam cũng không phải ngoại lệ. Chúng ta có thể nhìn thấy những tác động từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá xuất nhập khẩu, giá xăng dầu tăng khiến cho chi phí đầu vào của các ngành sản xuất trong nước và giá cả các mặt hàng bán trên thị trường tăng theo. Trước tình hình này, ngành Công Thương cần có những giải pháp như thế nào để duy trì chuỗi cung ứng hàng hoá, liên kết trong khâu phân phối để giảm chi phí trung gian, giữ ổn định giá cả thị trường trong nước, không gây xáo trộn cuộc sống của người dân. Đây cũng là nội dung chính của Diễn đàn chủ nhật trực tiếp với chủ đề “Liên kết bình ổn thị trường trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao”. Khách mời là GS. TS Hoàng Đức Thân- nguyên Viện trưởng Viện Thương mại và kinh tế quốc tế- Trường Đại học Kinh tế quốc dân và ông Nguyễn Thái Dũng- Giám đốc Khối Kinh doanh thương mại và Bán lẻ- Tập đoàn BRG.