VOV1 - Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và quyết liệt trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng. Đây là khâu công tác quan trọng, có ý nghĩa to lớn nhằm khắc phục hậu quả của vụ án, từ đó góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên đáng tiếc, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức dẫn đến kết quả đạt được chưa như mong muốn và yêu cầu đặt ra. Theo con số được đưa ra tại phiên họp 52 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào đầu năm 2021 thì riêng trong giai đoạn 2016-2021 tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng là gần 80 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 53,9%. Như vậy là vẫn còn tới hơn 70 nghìn tỷ đồng chưa được thu hồi. Con số này tương đương khoảng 5% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020.
Trước những vấn đề đang đặt ra trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, ngày 2/6 vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 13 đã có Chỉ thị số 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Vậy việc thu hồi tài sản tham nhũng theo tinh thần Chỉ thị 04 của Ban Bí thư có những điều gì cần quan tâm và cần có thêm những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả việc thu hồi tải sản tham nhũng? Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ bàn luận về vấn đề này.