Đại diện Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã thảo luận với đại diện Viện Khảo cổ học đi đến thống nhất cần nhanh chóng lập phương án bảo tồn cấp thiết hiện trạng phế tích do vị trí hố khai quật trũng thấp tiềm ẩn nguy cơ đọng nước trong mùa mưa lũ sắp tới. Một số giải pháp cụ thể được đưa ra như đào rãnh ngăn nước mưa từ các sườn đồi phía bắc tràn vào, xử lý thoát nước ngầm từ hố khai quật ra bên ngoài, làm nhà mái che, gia cố các khối xây gốc đường dẫn đã được phát lộ… Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đang chờ ý kiến cho phép của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để sớm triển khai.
Các nhà khảo cổ đã lật tung khoảng 220m² đất để thăm dò, khai quật, khảo cổ
Sau khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có ý kiến thống nhất, Viện Bảo tồn di tích hoặc một đơn vị tư vấn có năng lực sẽ lập quy hoạch, xây dựng phương án bảo tồn cấp thiết con đường thiêng tháp K nhằm bảo tồn hiệu quả các yếu tố gốc sau khai quật. Việc triển khai các phương án bảo tồn dự kiến hoàn thành cuối tháng 7/2024 với kinh phí khoảng 500 triệu đồng.
Đại diện Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, đây chỉ là phương án bảo tồn cấp thiết tạm thời, sau khi hoàn thành khai quật con đường, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn sẽ làm phương án bảo tồn tổng thể bằng gương hoặc vật liệu kính sáng (như Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội đang làm) để vừa phục vụ cho du khách nhưng cũng bảo tồn được di tích. Theo Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, nguyên tắc bắt buộc là khai quật đến đâu, bảo tồn đến đó nên phải cấp thiết triển khai trước khi tiếp tục khai quật phần còn lại của con đường, dự kiến sẽ thực hiện trong năm 2025.
Phát hiện một lối vào bí mật dẫn vào phía Đông tháp K, có niên đại hàng nghìn năm
Trước đó, ngày 1/3/2024, dự án thăm dò khai quật khảo cổ học khu vực phía Đông tháp K do Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp Viện Khảo cổ học triển khai thực hiện trên tổng diện tích 220 m2. Sau 2 tháng khai quật đã phát lộ một lối vào bí mật dẫn vào phía Đông tháp K có niên đại hàng nghìn năm. Đây là lần đầu tiên giới khảo cổ phát hiện được con đường chính dẫn vào trung tâm di tích Mỹ Sơn sau hơn 100 năm được người Pháp phát hiện.
Ban Quản lý Di sản Văn hoá thế giới Mỹ Sơn đang xây dựng phương án bảo vệ hiện vật được tìm thấy trong quá trình khảo cổ
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, việc nghiên cứu khảo cổ về hệ thống đường dẫn vào Khu đền tháp Mỹ Sơn của người Chăm xưa là một việc làm rất cần thiết, góp thêm những tư liệu mới để nhận thức toàn diện hơn về không gian văn hóa - lịch sử - kiến trúc Mỹ Sơn. “Vừa rồi mới chỉ là báo cáo kết quả ban đầu của quá trình khai quật, khảo cổ, phải chờ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố chính thức. Việc phát hiện ra con đường có niên đại hàng nghìn năm dẫn vào Khu đền tháp Mỹ Sơn sẽ góp phần phát huy giá trị của di sản”. Ông Hồng nói.
Long Phi/VOV Miền Trung