logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Hành trình đưa ẩm thực Việt, văn hóa Việt ra với thế giới (17/6/2023)

Là quốc gia có nền ẩm thực phong phú, đa dạng, các món ăn phổ biến như phở, nem, bún chả hay bánh mỳ của Việt Nam đã có mặt ở khắp năm châu và ngày càng được bạn bè quốc tế biết đến. Sự lan tỏa này nhờ một phần lớn của hoạt động “ngoại giao ẩm thực” – đang được thúc đẩy trong những năm gần đây. Hình ảnh các nguyên thủ, lãnh đạo nước ngoài đi dạo, thưởng thức ẩm thực đường phố dường như đã trở thành thông lệ mỗi dịp Việt Nam tiếp đón chính khách quốc tế. Như một lẽ tự nhiên, những địa chỉ từng đón chính khách tại Việt Nam tiếp nhận hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ để trở nên nổi tiếng. Mới đây, 103 nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội và TPHCM đã được vinh danh trong lễ gắn sao Michelin đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, để nâng tầm ẩm thực Việt ra với thế giới và khai thác tốt hơn nữa nguồn “tài nguyên” đầy lợi thế này thì rõ ràng rất cần có một chiến lược quảng bá bài bản và sự chú trọng hơn nữa đối với “ngoại giao ẩm thực”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ cùng bàn luận chủ đề này.

Vận dụng sáng tạo lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh để góp phần dựng xây đất nước. (10/6/2023)

Cách đây hơn 75 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", mở đầu cho hàng loạt phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, tạo động lực to lớn làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đến nay những lời dạy của Bác Hồ về vấn đề thi đua yêu nước vẫn còn mang nhiều ý nghĩa về giá trị thực tiễn sâu sắc. Vậy cần vận dụng sáng tạo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác như thế nào để thật sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước phát huy tài năng, trí tuệ, sáng kiến, kinh nghiệm, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Trần Hữu Hậu, Đại biểu Quốc hội khóa 15 và GS. TS khoa học Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Thay đổi chính sách visa, kỳ vọng là “bước ngoặt” trong việc thu hút khách du lịch và đầu tư quốc tế (3/6/2023)

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa sau đại dịch Covid-19, thế nhưng tỷ lệ phục hồi ngành du lịch nước ta lại ở mức thấp trong khu vực. Năm 2022, tổng lượng khách quốc tế chỉ đạt hơn 3.6 triệu lượt, thấp hơn mục tiêu đề ra là 5 triệu lượt khách. Theo các chuyên gia, chính sách thị thực (visa) cứng nhắc, chưa cởi mở, chính là một trong những “điểm nghẽn” cản trở khiến ngành du lịch nước ta “đi trước nhưng về sau”.
Vậy làm sao để không chỉ thu hút mà còn giữ chân du khách? PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng bàn luận nội dung này.

“Đến hè lại lo”, câu chuyện không mới nhưng luôn là vấn đề mang tính thời sự của các gia đình có con nhỏ mỗi khi hè về (27/5/2023)

Nghỉ hè là khoảng thời gian được rất nhiều trẻ em mong đợi để được nghỉ ngơi, vui chơi sau 9 tháng học tập vất vả. Nhưng ngược lại với sự háo hức, mong đợi của con trẻ, kỳ nghỉ hè lại là nỗi lo của không ít gia đình có con ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, đặc biệt là các gia đình ở thành phố vì không biết gửi con ở đâu, làm thế nào để con có một mùa hè bổ ích trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm hằng ngày. “Đến hè lại lo”, câu chuyện không mới nhưng luôn là vấn đề mang tính thời sự của các gia đình có con nhỏ mỗi khi hè về.

Cần làm gì để sử dụng có trách nhiệm, giảm thiểu rủi ro của trí tuệ nhân tạo AI? (13/5/2023)

Thực tế cho thấy, bằng sức mạnh ảo, Chat GPT đang khuấy đảo không gian mạng - với những tác động thật. Ca sĩ ảo, MC ảo, chuyên gia ảo…đã hoạt động mạnh mẽ, không khác gì đời thực. “Deepfake” - công nghệ trí tuệ nhân tạo đang bị tội phạm sử dụng để giả mạo hình ảnh, giọng nói nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hoặc tung tin giả mạo. Từ đây, dấy lên những lo ngại, băn khoăn về vấn đề pháp lí, văn hóa khi AI đang tạo ra những thông tin sai lệch, gia tăng tình trạng mất việc làm hay nguy cơ tin tặc. Làm thế nào để phát huy được lợi thế, hạn chế được những tiêu cực phát sinh từ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong đời sống kinh tế-xã hội; hay nói cách khác, cần làm gì để sử dụng có trách nhiệm, giảm thiểu rủi ro của trí tuệ nhân tạo? PGS TS Nguyễn Xuân Hoài, Viện trưởng Viện Trí Tuệ Nhân Tạo (AI Academy Vietnam) cùng bàn luận câu chuyện này.

Tìm giải pháp giảm căng thẳng tại nơi làm việc (6/5/2023)

Năm 2022, Phân Viện Khoa học An toàn - Vệ sinh lao động và Bảo vệ Môi trường Miền Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của 200 nữ công nhân thuộc lĩnh vực dệt may. Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, có 28% người có biểu hiện stress nghề nghiệp mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trong số người có biểu hiện trầm cảm thì có tới 8% có ý định gây tổn hại bản thân và 49,5% người lao động thường xuyên cảm thấy buồn chán.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này là nguy cơ mất việc làm và thu nhập, vấn đề làm thêm giờ cục bộ, việc chăm sóc gia đình, con cái….Tìm giải pháp giảm căng thẳng tại nơi làm việc đang là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra trong tháng 5 – Tháng An toàn vệ sinh lao động. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu.

Làm sao để du lịch Việt Nam hết cảnh “no dồn đói góp”, phát triển du lịch bền vững? (15/4/2023)

Làn sóng du khách sôi động trở lại, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/5, 1/5 và du lịch hè sắp tới là tin vui cho ngành du lịch, góp phần để ngành đạt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách trong năm nay. Vậy nhưng, tình trạng vé máy may tăng quá cao, hiện tượng quá nhiều du khách cùng đến một địa điểm trong một mùa dự báo gây ra tình trạng quá tải, đẩy giá cả tăng cao và chất lượng phục vụ giảm sút, thậm chí tạo xu hướng quay lưng lại với du lịch nội địa.
Vậy du Du lịch Việt Nam làm gì để hết cảnh “ no dồn đói góp”- Làm sao để ngành du lịch phát triển bền vững? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch) và ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Tân Thế giới (NEW WORLD TRAVEL)

Làm sao để dẹp loạn quảng cáo giảm béo phì sai sự thật? (1/4/2023)

Thon gọn sau khi đào thải 16 kg mỡ - chị ý lấy lại vóc dáng thon gọn sau sinh; không còn nặng nề, ục ịch, vận động nhẹ nhàng không mệt mỏi, tràn đầy năng lượng; công nghệ không xâm lấn, không nghỉ dưỡng và không cần kiêng khem; hệ thống thiết bị công nghệ tiên tiến từ Hoa Kỳ, phù hợp với mọi thể trạng; thử áp dụng phác đồ giảm mở của nam danh hài Hoàng Mập, chú Đại giảm ngay 19kg mỡ lâu năm sau một liệu trình.v.v. Đây là những lời quảng cáo có cánh của các cơ sở làm giảm mỡ, giảm béo phì siêu tốc đăng trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây.
- Nhu cầu làm đẹp, giảm béo gia tăng khiến các cơ sở này cũng mọc lên như nấm sau mưa. Với những lời quảng cáo đường mật, mời cả những diễn viên nghệ sĩ nổi tiếng vào quảng cáo, nhiều cơ sở tung các chiêu trò để thu hút khách hàng. Các clip quảng cáo này thu hút cả triệu view và nhiều khách hàng tin vào lời quảng cáo, đi làm đẹp, hút mỡ nhưng hậu quả tiền mất tật mang. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là bác sỹ Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội

Thay đổi thói quen - thông điệp cần lan toả từ Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 (25/3/2023)

Bắt đầu tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất kể từ năm 2009 đến nay, đã bước sang năm thứ 15 Việt Nam tổ chức sự kiện này với nhiều hành động thiết thực. Đặc biệt là điểm nhấn“Tắt đèn trong vòng 1 giờ” được lựa chọn vào thứ 7, tuần thứ 3 của tháng 3. Theo đó, thời gian tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất năm nay sẽ bắt đầu từ 20h30 đến 21h30 tối nay - thứ 7, ngày 25/3/2023. Cùng bàn luận nội dung này với 2 vị khách mời là ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương và ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, Hội Liên hiệp khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Đề xuất sở hữu chung cư có thời hạn: Phải lấy ý kiến rộng rãi của người dân (18/3/2023)

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà ở sửa đổi. Trong dự thảo mới nhất, Chính phủ chỉ đưa ra một phương án duy nhất về sở hữu chung cư có thời hạn. Theo lý giải, Luật Nhà ở năm 2014 đã có quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư, hết thời hạn sử dụng nhà chung cư mà không còn đủ điều kiện an toàn sử dụng thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.
Thông tin không còn được sở hữu chung cư vĩnh viễn mà chỉ sở hữu có thời hạn đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Những người ủng hộ dự thảo luật thì cho rằng, thông tin này sẽ giúp giảm giá nhà, người thu nhập thấp có thể mua được nhà. Nhưng không ít người dân, chuyên gia thẳng thắn đề nghị, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Bởi quy định này can thiệp đến quyền sở hữu, tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc công ty luật ANVI sẽ bàn luật cụ thể hơn để về vấn đề này

Quản lý tài khoản ngân hàng, bảo mật thông tin, phòng chống tội phạm lừa đảo- Trách nhiệm của các bên (11/3/2023)

Thực tế hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng, sở hữu một chiếc thẻ ATM tương đối nhanh gọn, thủ tục không rườm rà. Theo lẽ thường, đây là sự tiện lợi – hỗ trợ người dân trong mua sắm, tiêu dùng; cũng là giải pháp giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông, luân chuyển liên tục, thúc đẩy nền kinh tế; cũng hỗ trợ hạn chế thực trạng tín dụng đen. Nhưng khi mỗi người dân đều có thể là chủ sở hữu của vài chiếc thẻ ATM, là chủ của vài hoặc cả chục tài khoản khác nhau, ở nhiều ngân hàng thì thực tế nảy sinh những bất cập.
Và trong cộng đồng đã có nhiều ý kiến băn khoăn về sự an toàn không chỉ của tài sản tiệc bạc và thông tin cá nhân chủ sở hữu, mà còn là sự an toàn-minh bạch của dòng tiền trên thị trường cùng nhiều vấn đề liên quan khác. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, và ông Nguyễn Đình Thắng - Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Liên Việt (LienvietPostbank) - một chuyên gia công nghệ tài chính ngân hàng

Cần có sự chuẩn bị như thế nào, nếu Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (04/3/2023)

Mới đây, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin sơ bộ dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025. Theo đó Lịch sử dự kiến sẽ trở thành môn thi bắt buộc, bên cạnh 3 môn quen thuộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Đây là phương án Bộ GD&ĐT đang cùng các chuyên gia xây dựng, xin ý kiến góp ý sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Thông tin này nhận được nhiều luồng tranh luận và sự quan tâm của xã hội. Nếu phương án đưa Lịch sử trở thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc từ năm 2025 là cơ hội để nâng cao vị thế môn học, nhưng cũng là thách thức lớn với người học và người dạy. Đặc biệt, áp lực đổ lên vai học sinh lớp 12 sẽ ngày càng nặng nề khi khối lượng kiến thức phải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới có thể gia tăng. Vậy nếu Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cần có sự chuẩn bị như thế nào?

Đoàn Việt Nam cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ - Chuyện của người trở về (25/2/2023)

Đã gần 3 tuần trôi qua kể từ thời điểm trận động đất 7,8 độ Ritchte làm rung chuyển hơn 10 thành phố phía đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ, thế giới vẫn chưa hết ám ảnh bởi những hình ảnh về hậu quả kinh hoàng của trận động đất. Những tòa nhà đổ nát. Những con số thống kê về người thương vong tăng nhanh từng giờ. Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp! Với những cán bộ, chiến sĩ tham gia hai đoàn cứu hộ, cứu nạn, những ngày thực hiện nhiệm vụ tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ là quãng thời gian không thể nào quên, với những kinh nghiệm, những bài học quý báu và cả những cảm xúc, những câu chuyện có thể họ chưa từng gặp trong đời. Thiếu tá Nguyễn Văn Cần, Phó trưởng Khoa Cứu nạn, cứu hộ, Trường Đại học PCCC- Bộ Công an, thành viên tham gia đoàn công tác của Bộ Công An chia sẻ câu chuyện của những trong cuộc về hoạt động của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Các trường đại học xét tuyển bằng học bạ: Làm sao để đảm bảo công bằng? (18/2/2023)

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm nay, trong đó có gần 80 trường dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp có sử dụng kết quả học tập Trung học phổ thông. Đáng chú ý, hàng loạt trường đại học “top trên” sử dụng phương thức xét học bạ Trung học phổ thông.
Không chỉ năm nay, trong những mùa tuyển sinh gần đây, xét học bạ Trung học phổ thông là phương thức được nhiều trường sử dụng, dành phần lớn chỉ tiêu. Tuy nhiên, phương thức này cũng gây ra nhiều tranh cãi vì lo ngại nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc “chạy điểm”, “làm đẹp” học bạ ở các nhà trường, địa phương. Xét học bạ như thế nào để đảm bảo công bằng? Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là chuyên gia giáo dục Trần Mạnh Tùng.

Hỗ trợ người lao động, chung sức cùng doanh nghiệp vượt khó (4/2/2023)

Theo nhận định chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành hàng gặp khó khăn những tháng đầu năm, nhưng dự báo sẽ sớm ổn định trở lại. Vì thế, tình hình thị trường lao động được kỳ vọng có những chuyển động tích cực, tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng. Người lao động và doanh nghiệp đang hào hứng tập trung ổn định sản xuất ngay từ những ngày đầu của năm mới Quý Mão 2023. Cùng bàn luận nội dung này với khách mời là ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: