logovov
BAN THỜI SỰ VOV1

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng vì một ASEAN hòa bình, ổn định (14/11/2023)

Trong hai ngày 15 và 16/11 tới đây, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các hội nghị liên quan sẽ diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Đây là một trong những hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN cũng như đánh dấu kết thúc năm Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia. Với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN, quan chức quốc phòng các nước đối thoại là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ( ADMM+) và các hội nghị song phương ASEAN – Mỹ, ASEAN –Nhật Bản, chuỗi sự kiện lần này là cơ hội để để thúc đẩy hợp tác quốc phòng ASEAN, gắn kết sức mạnh trong và ngoài khu vực nhằm duy trì ổn định, hoà bình, phát triển ở khu vực. Phóng viên Phạm Hà, thường trú Đài TNVN tại Indonesia thông tin cụ thể hơn về những vấn đề đáng chú ý tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần này.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung: Nỗ lực tìm cách “ổn định” quan hệ song phương (13/11/2023)

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15/11 tới. Cuộc hội đàm diễn ra bên lề Hội nghị Các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 ở Sanfa sisco, Mỹ. Dự kiến, chương trình nghị sự sẽ đề cập các vấn đề toàn cầu như chiến sự Hamas - Israel, xung đột Nga-Ukraine, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như lĩnh vực thương mại và kinh tế. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong một năm qua. Gần đây, Trung Quốc và Mỹ thường xuyên có những tương tác trên nhiều lĩnh vực, mang lại hy vọng mới cho việc xoa dịu quan hệ song phương. Liệu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này có đem lại bước đột phá trong nỗ lực tìm cách “ổn định” quan hệ song phương, sau những căng thẳng thời gian qua?

Quốc tế đẩy mạnh nỗ lực nhân đạo ở Gaza (10/11/2023)

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm và nỗ lực của thế giới, đặc biệt là các tổ chức quốc tế và các quốc gia Ả-rập trong khu vực, khi mà xung đột giữa Israel và nhóm Hồi giáo Hamas kéo dài hơn 1 tháng qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong nỗ lực nhằm đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo ở dải Gaza, tại Paris vừa diễn ra hội nghị nhân đạo về dân thường ở Gaza. Mục tiêu của hội nghị quốc tế về nhân đạo ở Gaza do Pháp tổ chức là kêu gọi hành động ủng hộ tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, bảo vệ dân thường và nhân viên nhân đạo, tăng cường tiếp cận nhân đạo và phản ứng quốc tế trong lĩnh vực y tế, nước, năng lượng và thực phẩm và cuối cùng kêu gọi các sáng kiến chính trị lâu dài có thể giải quyết cuộc xung đột tại Trung Đông. Với mục tiêu này, Pháp đang thể hiện vai trò ra sao trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất ở Trung Đông?

Hoạt động thúc đẩy hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ thông qua chuyến công du tới hàng loạt nước Châu Á của Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ (09/11/2023)

Theo dòng thời sự sáng tiếp tục với vấn đề quốc tế. Thưa quý vị và các bạn! Sau khi rời Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục tới thăm 3 nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, bắt đầu từ hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Loy Ốt-xtin cũng có chuyến công du 3 nước châu Á là Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia. Việc hai quan chức cấp cao của Mỹ đồng thời xuất hiện và có lịch trình dày đặc cho thấy cam kết mạnh mẽ của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, bất chấp sự chú ý của cộng đồng quốc tế vẫn đang đổ dồn về điểm nóng xung đột Israel – Hamas. Với từng điểm đến, Mỹ có những vấn đề trọng tâm khác nhau, như với Đông Bắc Á là cuộc đua không gian khi cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều thông báo các kế hoạch phóng thử vệ tinh, với Ấn Độ là hợp tác công nghệ quốc phòng song phương, hay với Indonesia là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Nhưng tựu chung lại, Mỹ muốn chứng minh cam kết với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng những thỏa thuận cụ thể.

Những tác động trước việc Pakistan trục xuất người Afghanistan bất hợp pháp (08/11/2023)

Trục xuất người nước ngoài cư trú bất hợp pháp là chính sách mà nhiều quốc gia đang áp dụng để quản lý người nhập cư. Tuy nhiên, chiến dịch trục xuất của chính phủ Pakistan hiện nay gây sự chú ý bởi quy mô và những tác động của nó. Trong những ngày qua, hàng chục nghìn người Afghanistan ở Pakistan đã đổ về các cửa khẩu biên giới khi ngày 1/11 là thời hạn chót để những người nhập cư trái phép vào Pakistan phải hồi hương hoặc đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ và trục xuất. Ước tính có tới 1,7 triệu người Afghanistan nằm trong diện phải hồi hương. Chính sách trục xuất này được nhận định sẽ có những tác động lan rộng.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản: Nhiều chủ đề nóng (07/11/2023)

Hôm nay và ngày mai, tại Nhật Bản diễn ra Hội nghị Ngoại trưởng G7. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Israel – Hamas chưa dừng lại, khủng hoảng nhân đạo tại Gaza và xung đột Nga - Ukraine còn tiếp diễn; cùng với đó là những thách thức vừa hiện hữu, vừa tiềm ẩn khôn lường của trí tuệ nhân tạo (AI). Việc Ngoại trưởng các nước G7 ngồi lại với nhau trong thời điểm này được kỳ vọng sẽ có tiếng nói đồng thuận và tìm được những giải pháp cho các vấn đề.

Thủ tướng Nhật Bản thăm Philippines - khi hai đồng minh “cùng nhìn về cùng một hướng” (06/11/2023)

Cùng với những diễn biến nóng tại Trung Đông, chuyến thăm Philippines cuối tuần qua của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Theo đó, Nhật Bản và Philippines sẽ bắt đầu đàm phán về một hiệp ước song phương mới, được gọi là Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng về an ninh và hỗ trợ Philippines tăng cường an ninh ở Biển Đông.. Trong chuyến thăm này, lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản có bài phát biểu tại Quốc hội Philippines, trong đó đề cập chính sách ngoại giao của Tokyo đối với khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Trong bối cảnh Nhật Bản mong muốn đóng vai trò lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều dư luận quan tâm là vì sao quan hệ Nhật Bản-Philippines ngày càng nồng ấm như vậy?

Lần đầu tiên trong vòng 7 năm, Thủ tướng Australia tới thăm Trung Quốc (3/11/2023)

Một trong những sự kiện ngoại giao đáng chú ý thời điểm này phải kể đến chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Australia Anthony Albanese vào ngày mai. Đây là chuyến thăm ngoại giao cấp cao nhất giữa hai nước trong 7 năm qua. Đó cũng là khoảng thời gian mối quan hệ Australia – Trung Quốc khủng hoảng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến tất cả lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, an ninh và đặc biệt là kinh tế.

Nỗ lực mới trong việc giải quyết xung đột Israel - Hamas của Ngoại trưởng Mỹ (02/11/2023)

Dự kiến ngày 3/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tới Israel để gặp gỡ các thành viên chính phủ nước chủ nhà và sau đó sẽ dừng chân tại một số quốc gia khác trong khu vực. Chuyến thăm diễn ra sau khi Israel bước vào giai đoạn hai của chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây bác bỏ ý kiến cho rằng, nước này sẽ đồng ý ngừng bắn với Hamas. Lần thứ 3 quay trở lại khu vực kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát từ đầu tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ được cho sẽ mang theo một số hành trang mới - như ý tưởng quản lý Dải Gaza sau chiến tranh lần đầu tiên được tiết lộ. Nhưng liệu chuyến thăm có thể gợi mở những giải pháp mới hiệu quả hay cũng “xôi hỏng bỏng không” - nhất là khi nội bộ nước Mỹ đang tiếp tục mâu thuẫn về gói viện trợ cho các đồng minh Israel và Ukraine.

Xung đột Israel – Hamas lan ra nhiều mặt trận ở Trung Đông (1/11/2023)

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông ngày càng diễn biến căng thẳng. Thủ tướng Israel Netaniahu vừa lên tiếng bác bỏ mọi lời kêu gọi ngừng bắn với Hamas. Trong khi đó cục diện an ninh trên khắp Trung Đông cũng trở nên phức tạp và khó lường, khi giao tranh vũ trang đồng loạt bùng phát tại nhiều chiến trường khu vực. Trên mặt trận ngoại giao, cuộc xung đột giữa Israel với lực lượng Hamas cũng khiến mối quan hệ giữa một số quốc gia Hồi giáo và Nhà nước Do Thái trở nên xấu đi. PV Bá Thi – thường trú Đài TNVN tại Ai Cập, theo dõi khu vực Trung Đông, châu Phi phân tích rõ hơn vấn đề này.

Thủ tướng Đức tới châu Phi nhằm nỗ lực giải cơn khát năng lượng (31/10/2023)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du 2 nước châu Phi gồm Nigeria và Ghana; trong khi Tổng thống nước này Frank-Walter Steinmeier cùng thời điểm cũng có chuyến công du hai quốc gia châu Phi khác là Tanzania và Zambia. Thông qua loạt chuyến thăm này, các nhà lãnh đạo Đức kỳ vọng có thể đa dạng hóa đối tác thương mại cũng như mở rộng quan hệ đối tác kinh tế với các quốc gia thuộc khu vực giàu năng lượng và tài nguyên.

Sôi động đường dua đến chức tổng thống Indonesia (30/10/2023)

Indonesia đã chính thức bước vào mùa bầu cử với việc hoàn tất giai đoạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các cặp ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống. Cho đến thời điểm này đã xuất hiện gương mặt 3 cặp liên danh tranh cử sáng giá. Điều này nằm trong dự đoán và mong đợi của các nhà phân tích về một cuộc đua tam mã đầy cạnh tranh trong cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia vào tháng 2 tới. Theo kế hoạch, chiến dịch tranh cử chính thức ở Indonesia bắt đầu vào ngày 28 tháng 11 tới. Hiện, cơ hội cạnh tranh vẫn chia đều cho 3 cặp liên danh tranh cử khi các khảo sát gần đây cho thấy hiện tại không có cặp ứng viên nào có khả năng giành được 50% số phiếu bầu trong lần bỏ phiếu đầu tiên. Cuộc đua tam mã này tác động ra sao tới chính trường Indonesia?

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Bruxelles, Bỉ (27/10/2023)

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Bruxelles, Bỉ. Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU thảo luận về những vấn đề “nóng” của khối, trong đó phải kể đến căng thẳng giữa Ixraen và phong trào Hồi giáo Hamas, cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga-Ucraina, nỗ lực hỗ trợ cho Ki-ép, cũng như các vấn đề kinh tế, di cư và an ninh, quốc phòng của EU.

Triển vọng Đức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới (26/10/2023)

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, trong đó dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa của Đức năm 2023 sẽ vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Liệu nền kinh tế Đức đang dần khởi sắc trở lại hay nguyên nhân nằm ở nền kinh tế Nhật Bản vốn vẫn trì trệ thời gian qua? Những dự báo này có cơ sở hay không và những “sự đổi ngôi” sắp tới - nếu có, sẽ định hình bức tranh toàn cảnh các nền kinh tế lớn trên toàn cầu ra sao?

Chuyến thăm hiếm hoi của Ngoại trưởng Trung Quốc tới Mỹ (25/10/2023)

Trong thông báo mới nhất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ có chuyến thăm Mỹ từ ngày mai - 26/10 cho đến ngày 28/10, theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Bắc Kinh kỳ vọng hai bên có thể mở rộng hợp tác thực chất, kiểm soát hiệu quả bất đồng; cùng quay trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh. Kỳ vọng là vậy nhưng trong bối cảnh quan hệ đôi bên còn quá nhiều khác biệt và mâu thuẫn, liệu triển vọng chuyến công du này ra sao? PV Bích Thuận - Thường trú Đài TNVN tại Trung Quốc phân tích rõ vấn đề này.

CHƯƠNG TRÌNH HÔM NAY

05h50-05h59 Quảng cáo
06h28-06h30 Quảng cáo
9h15-10h00 Đối thoại
11h05-11h10 Quảng cáo
11h50-11h59 Quảng cáo
11h59-12h00 Báo giờ
12h57-13h00 Quảng cáo
13h00-13h30 CLB âm nhạc
15h15-15h20 Quảng cáo
15h50-16h00 A lô, VOV1
17h59-18h00 Báo giờ
18h57-19h00 Quảng cáo
19h55-20h00 Quảng cáo
21h58-22h00 Quảng cáo
23h10-23h15 Rao sóng
23h30-24h00 Nhịp sống
Họ và tên (*)
Email (*)
Tiêu đề (*)
Nội dung (*)
Mã bảo vệ (*)


Lượt truy cập Số người đang online: